Y học hạt nhân (YHHN) là một chuyên ngành sử dụng các đồng vị phóng xạ (ÐVPX) hay các dược chất phóng xạ (DCPX) để chẩn đoán và điều trị bệnh. Khi chẩn đoán, điều trị phải đưa các ÐVPX hay DCPX vào trong cơ thể người bệnh bằng nhiều con đường khác nhau như đường uống, tiêm... Các chất phóng xạ này khi vào cơ thể theo dòng tuần hoàn sẽ đến từng cơ quan, tế bào người bệnh dưới dạng lỏng, khí, dịch...Các đồng vị phóng xạ (ĐVPX) đã được ứng dụng rộng rãi đưa lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị bệnh và nghiên cứu y sinh học. Hiện nay các ĐVPX nhân tạo giữ vai trò chính trong điều trị ung thư và một số bệnh khác. Với sự phát triển của khoa học Y học hạt nhân, ngành điều trị học bằng phóng xạ đang mang lại nhiều triển vọng tốt đẹp. Cơ sở của việc dùng ĐVPX trong điều trị là hiệu ứng sinh vật học của các bức xạ ion hóa trên cơ thể sống. Ngay sau khi Becquerel và Marie Curie phát hiện ra hiện tượng phóng xạ, người ta đã biết tác dụng sinh học của các bức xạ ion hóa đó.Y học hạt nhân sử dụng tác dụng sinh học của bức xạ ion hóa lên các mầm bệnh, các tổ chức bệnh. Điều đó đã làm cho Y học hạt nhân trở thành chuyên khoa lâm sàng, vừa có thể điều trị ngoại trú vừa điều trị nội trú. Từ tháng 3 năm 1984, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Viện Nghiên cứu Hạt Nhân, Đà Lạt) được đưa vào hoạt động, cho phép sản xuất các đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ, đã có gần 20 loại dược chất phóng xạ được sản xuất, đáp ứng 50% nhu cầu về chủng loại các chất phóng xạ và 70% nhu cầu số lượng chất phóng xạ đối với các chủng loại đã cung cấp. Trong đó, chủ yếu là các dược chất chứa đồng vị phóng xạ 131I (Iodine- 131), 99mTc (Technetium-99m), 32P (Phosphor-32).
Có thể nói rằng Y học hạt nhân Việt Nam đã có một mốc quan trọng trong sự phát triển của mình từ thời điểm này, số lượng các khoa Y học hạt nhân tăng nhanh và đa dạng. Nhiều thiết bị sử dụng cho việc chẩn đoán bệnh như máy đo độ tập trung iốt ở tuyến giáp, máy xạ ký thận, máy ghi hình Gamma Camera đã được trang bị. Nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai Hà nội, Bệnh viện 175, Bệnh viện Ung bướu (2009), Bệnh viện Đại học Y Dược (2011) thành phố Hồ Chí Minh đã trang bị mới các thiết bị ghi hình hiện đại như máy ghi hình cắt lớp điện toán từ nguồn phát đơn photon – máy SPECT (Single photon emission computed tomography), Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh trang bị máy SPECT/CT (năm 2006), đây là thiết bị chẩn đoán tối ưu, kết hợp giữa SPECT và thiết bị chụp cắt lớp điện toán CT (Computed Tomography).
Ngoài ra một số bệnh viện cũng triển khai kĩ thuật tiên tiến mới nhất này như Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Nai tại tỉnh Đồng Nai. Hiện tại toàn tỉnh Đồng Nai, bệnh viện đa khoa Đồng Nai là đơn vị duy nhất đầu tiên đưa vào ứng dụng kĩ thuật về y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị cùng với sử dụng máy ghi hình cắt lớp điện toán từ nguồn phát đơn photon – máy SPECT (Single photon emission computed tomography). Với kỹ thuật này, bác sĩ có thể chẩn đoán phát hiện được các bệnh liên quan ung thư hay các vị trí ổ di căn, các bệnh lí khác bằng các phương pháp điều trị.
Với điều trị bằng bức xạ ion hóa (Radio therapy), có 3 phương thức:
- Điều trị chiếu ngoài ( Teletherapy):sử dụng các máy chiếu tia X, tia gamma cứng và cả máy gia tốc để hủy diệt các tổ chức bệnh.
- Điều trị áp sát ( Brachytherapy): Dùng lưỡi dao gamma để chữa các bệnh mạch máu trong sọ, ứng dụng để điều trị các tổ chức ngoài da như các u máu nông dùng tấm áp P-32. Phương pháp đưa nguồn tới sát vị trí cần chiếu qua một hệ thống ống dẫn còn gọi là phương pháp điều trị áp sát nạp nguồn sau để điều trị ung thư trực tràng, ung thư cổ tử cung...Dùng kim Radi đặt vào các hốc tự nhiên của cơ thể.
- Điều trị bằng nguồn hở: nguyên lí của phương pháp được dựa trên định đề Henvesy: Cơ thể sống không có khả năng phân biệt các đồng vị của cùng một nguyên tố. Điều đó có nghĩa là khi đưa vào cơ thể sống các đồng vị của cùng một nguyên tố thì chúng tham gia vào các phản ứng sinh học và cùng chịu một số phận chuyển hóa. Vì vậy khi biết một nguyên tố hóa học hoặc một chất nào đó đưa vào cơ thể. Thuốc phóng xạ tập trung tại tổ chức bệnh sẽ phát huy tác dụng điều trị đồng thời qua các thiết bị ghi đo xạ hình có thể đánh giá được hoạt động chức năng, hình thể, vị trí của tổ chức hoặc cơ quan cần quan tâm.
Các chất phóng xạ phát ra tia sóng gamma, các tia hạt Alpha và beta. Các tia này có khả năng ion hóa khác nhau nên tạo ra những liều hấp thu khác nhau.Hơn thế nữa, cùng một liều như nhau nhưng các tia khác nhau lại gây ra những hiệu ứng sinh học không giống nhau. Bởi vì ngoài số lượng ion (tổng liều), mât độ ion được tạo ra trong một đơn vị khối lượng hoặc chiều dài vật chất cũng ảnh hưởng hiệu ứng sinh học. Mục đích của việc điều trị bệnh bằng bức xạ là kìm hãm hoạt động hay tiêu diệt tế bào bệnh. Vì vậy, yếu tố rất quan trọng là phản ứng của tế bào với tác dụng của bức xạ ion hóa. Trước hết là độ nhạy cảm phóng xạ tế bào bệnh. Độ nhạy cảm phóng xạ này tùy thuộc loại tế bào, vào giai đoạn sinh trưởng và mức độ biệt hóa và hoàn chỉnh cấu trúc của nó. Vì vậy liều lượng cần thiết cho điều trị tùy thuộc loại tế bào và mô bị bệnh. Người ta thường phối hợp thêm các thuốc tăng độ nhạy cảm phóng xạ cho tế bào. Độ nhạy cảm phóng xạ tế bào là một yếu tố quan trọng mà cho đến nay mặc dầu có nhiều giả thuyết giải thích cơ chế hấp thụ năng lượng, truyền năng lượng từ tia cũng như cơ chế diệt tế bào, chúng ta chưa có biện pháp để đánh giá được độ nhạy cảm của phóng xạ này trước khi quyết định liều.
Những điều kiện của môi trường xung quanh tế bào như khối lượng mô tế bào, nồng độ oxy, chất dinh dưỡng, nhiệt độ... ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Từ đó xuất hiện nhiều cải tiến trong kĩ thuật xạ trị.Cơ thể là một khối thống nhất. Cho nên tình trạng sức khỏe chung của toàn thân, của tuần hoàn và dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Cơ thể điều hòa tác hại của bức xạ đối với mô và tế bào lành, tạo ra quá trình hồi phục sau khi bị tổn thương và gián tiếp tác động đến tế bào và mô bệnh.
Hiên nay, bằng việc sử dụng kĩ thuật cao như xạ hình bằng ( ĐVPX ) 99mTc (Technetium-99m) và các dược chất đánh dấu, các bác sĩ có thể kiểm tra xạ hình tuyến giáp, xạ hình xương, các ổ di căn nguyên phát, phát hiện các khối u ác tính hay với đánh giá chức năng thận, có thể xác định được mức lọc cầu thận, đánh giá và theo dõi tắc đường tiết niệu, theo dõi sau ghép thận...v v... và khu điều trị bằng ( ĐVPX ) I-131 nhằm hướng tới hiệu quả tốt nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp cũng như sự hài lòng của người bệnh.
- Một sô hình ảnh về kĩ thuật xạ hình:
Tác giả bài viết: DS Phạm Mạnh Toàn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Năm 2006: Bằng khen khoa Dược BVĐKĐN “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2006” - Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai – Số 454/QĐ – UBND. Năm 2007: Giấy chứng nhận Khoa Dược BVĐKĐN được tặng thưởng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” - Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng...