Câu hỏi 1:
Bệnh nhân nam 60 tuổi, được chẩn đoán tăng huyết áp và suy thận mạn giai đoạn 3, được bác sĩ kê đơn lisinopril 10mg/ngày để kiểm soát huyết áp. Trong lần đi tái khám gần đây bệnh nhân than phiền về cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt khi đứng lên, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Sau đó bệnh nhân đã được chỉ định thực hiện 1 số xét nghiệm cân lâm sàng để đánh giá chức năng thận của bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy, suy thận bệnh nhân đang tiến triển, với chỉ số eGFR giảm từ 55 mL/phút/1,73m² xuống còn 48 mL/phút/1,73m² trong vài tháng qua.
Trả lời:
Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt khi đứng lên, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy. Những triệu chứng này có thể là do hạ huyết áp quá mức sau khi sử dụng Lisinopril, đặc biệt là khi bệnh nhân đã có suy thận. Lisinopril có thể gây hạ huyết áp quá mức ở những bệnh nhân có suy thận, vì thuốc làm giảm thể tích tuần hoàn và có thể gây tăng kali máu hoặc tăng creatinine huyết thanh trong quá trình điều trị.
Tính trạng suy thận tiến triển của ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị huyết áp của bệnh nhân. Vì vậy cần giảm liều Lisinopril xuống 5mg/ngày để giảm nguy cơ hạ huyết áp quá mức đồng thời tư vấn bệnh nhân theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà cũng như tái khám đúng thời gian để bác sĩ theo dõi hiệu quả kiểm soát huyết áp cũng như chức năng thận của bệnh nhân.
Câu hỏi 2:
Bệnh nhân nữ 51 tuổi, đã được điều trị tăng huyết áp bằng thuốc bisoprolol 5mg x 1 lần/ngày. Trong lần thăm khám gần nhất, huyết áp của bà đã tăng lên: 160/100. Bác sỹ điều trị đã thêm Amlodipin 5mg x 1 lần/ngày để kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân.Sau đó bệnh nhân trở lại tái khám vì bị nhức đầu và mắt cá chân đang bị sưng phồng.
Trả lời:
Amlodipin là một thuốc chẹn kênh canxi nhóm dihydropyridin. Những tác dụng phụ chung của các thuốc chẹn canxi xuất phát từ chính cơ chế tác dụng dược lý của nó: giãn mạch quá mức dẫn đến hạ huyết áp, mặt đỏ bừng, nhức đầu, chóng mặt, phù chi dưới và nhịp tim nhanh.Nguyên nhân của sự xuất hiện tình trạng phù nề trong trường hợp này là do sự thay đổi tính thấm thành mạch hơn là do giữ nước. Do đó, việc chỉ định một thuốc lợi tiểu là không thích hợp cho trường hợp này. Thường tình trạng phù được quan sát thấy khi bắt đầu liệu trình điều trị và có thể mất đi khi ngừng thuốc. Cần ngưng Amlodipine và thay bằng thuốc điều trị huyết áp khác Telmisartan 40mg x 1 lần/ngày và theo dõi huyết áp của bệnh nhân sau khi đổi thuốc.
Câu hỏi 3:
Bệnh nhân nam, 25 tuổi được chẩn đoán viêm phổi do vi khuẩn và được bác sĩ chỉ định sử dụng ceftriaxone 1g mỗi 24 giờ tiêm tĩnh mạch (IV) trong 7 ngày. Ngày thứ 3 sau khi điều trị, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng:Vùng tiêm bị đau và sưng nề: Tại vị trí tiêm ceftriaxone, bệnh nhân cảm thấy rất đau và có hiện tượng sưng tấy tại vùng tiêm, dù không có dấu hiệu viêm ngoài da. Sau 24 giờ: vết tiêm bị hoại tử vết tiêm dần chuyển màu đen và có dấu hiệu hoại tử mô tại vùng tiêm. Bệnh nhân bắt đầu sốt lại (sốt cao 39°C), cảm giác mệt mỏi.
Trả lời:
Hoại tử mô do ceftriaxone là một tác dụng phụ nghiêm trọng của ceftriaxon. Vì vậy cần ngưng ngay kháng sinh ceftriaxone và thay bằng kháng sinh khác để điều trị viêm phổi cho bệnh nhân như Piperacillin/Tazobactam 4.5g x 3 lần/ngày. Bện cạnh đó cũng cần theo dõi chặt chẽ vết hoại tử mô của bệnh nhân để điều trị kịp thời.
Câu hỏi 4:
Bệnh nhân nam, 60 tuổi tuổi, đã được thay van tim nhân tạo cơ học. Ông phải dùng Warfarin 5mg x 1 lần/ngày để ngăn ngừa huyết khối tại van. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân theo dõi thường xuyên chỉ số INR (International Normalized Ratio) để đảm bảo hiệu quả chống đông máu phù hợp. Bệnh nhân đi tái khám và xét nghiệm INR cho thấy chỉ số INR quá thấp (mức bình thường đối với bệnh nhân dùng warfarin là từ 2.0 đến 3.0, nhưng bệnh nhân chỉ đạt 1.5). Điều này chỉ ra rằng Warfarin không còn đủ hiệu quả trong việc ngăn ngừa đông máu
Trả lời:
Sau khi thăm khám cho bệnh nhân được biết trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống và bắt đầu tiêu thụ rất nhiều rau xanh, đặc biệt là cải xoăn, rau bina, và bông cải xanh, các thực phẩm chứa nhiều vitamin K mà không thông báo cho bác sĩ.
Vitamin K là một yếu tố quan trọng trong quá trình đông máu, và Warfarin hoạt động bằng cách ức chế tác động của vitamin K, giúp giảm khả năng đông máu. Khi bệnh nhân ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin K, lượng vitamin K trong cơ thể tăng lên, làm giảm tác dụng của Warfarin, dẫn đến việc INR giảm, từ đó làm giảm hiệu quả chống đông máu của thuốc. Sau khi xác nhận rằng bệnh nhân đã tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu vitamin K cần điều chỉnh lại liều Warfarin cho phù hợp. Tư vấn cho bệnh nhân giảm lượng rau xanh giàu vitamin K và giữ mức tiêu thụ thực phẩm này ổn định trong suốt thời gian điều trị để tránh làm thay đổi hiệu quả của thuốc. Cần nhắc nhở bệnh nhân tái khám để theo dõi chặt chẽ chỉ số INR đều đặn để đảm bảo Warfarin vẫn phát huy tác dụng tốt.
Câu hỏi 5:Một bệnh nhân nam 24 tuổi mắc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và đã được bác sĩ kê đơn Omeprazole 20mg x 1 lần/ngày để giảm tiết acid dạ dày và điều trị triệu chứng trào ngược. Bệnh nhân được khuyến cáo sử dụng Omeprazole vào buổi sáng, ít nhất 30 phút trước khi ăn sáng, để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Thuốc hoạt động hiệu quả nhất khi dạ dày không chứa thức ăn. Sau vài ngày, bệnh nhân đến tái khám vì rằng các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản (như ợ nóng, khó tiêu) bắt đầu tái phát. Mặc dù đã sử dụng Omeprazole đúng theo chỉ định, bệnh nhân cảm thấy tình trạng bệnh không cải thiện và các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trả lời:
Sau khi thăm khám cho bệnh nhân được biết bệnh nhân thường bắt đầu ăn bữa sáng nhiều chất béo (như trứng chiên, bánh mì bơ, thịt xông khói) sau khi uống Omeprazole. Omeprazole là thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton (PPI), giúp giảm lượng acid dạ dày. Tuy nhiên, thức ăn giàu chất béo có thể làm giảm tốc độ hấp thu và hiệu quả của thuốc. Khi Omeprazole được uống sau bữa ăn giàu chất béo, quá trình hấp thu thuốc có thể bị trì hoãn, làm giảm hiệu quả điều trị. Điều này có thể dẫn đến việc giảm khả năng giảm acid dạ dày, khiến các triệu chứng trào ngược không được kiểm soát tốt.
Sau đó bệnh nhân đã được tư vấn lại về sử dụng thuốc như bệnh nhân nên uống Omeprazole ít nhất 30 phút trước khi ăn sáng, tránh ăn thức ăn nhiều chất béo ngay sau khi uống thuốc. Sau khi điều chỉnh lại cách sử dụng thuốc và chế độ ăn uống, bệnh nhân bắt đầu thấy các triệu chứng của trào ngược dạ dày giảm dần và được kiểm soát tốt hơn.
(Đơn vị Dược lâm sàng - BVĐK Đồng Nai)