Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (trước đây thường gọi là xét nghiệm công thức máu) là xét nghiệm cơ bản, thực hiện đơn giản, thời gian xét nghiệm nhanh chóng, cung cấp các thông số rất hữu ích cho việc đánh giá một cách tổng thể tình trạng sức khỏe của chúng ta.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là một chỉ định không thể thiếu trong bộ xét nghiệm kiểm tra y tế thông thường cũng như trong khám chữa bệnh.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi sẽ cung cấp cho chúng ta các thông số về 3 loại tế bào máu đó là: hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu.
Số lượng hồng cầu (RBC: Red Blood Cell): Là số lượng hồng cầu có trong một lít máu toàn phần. Giá trị bình thường đối với người trưởng thành: Nam: 4.2-5.4 T/l; Nữ: 4.0-4.9 T/l.
– Số lượng hồng cầu tăng: Gặp trong trường hợp cô đặc máu, đa hồng cầu nguyên phát…
– Số lượng hồng cầu giảm: Gặp trong mất máu, thiếu sắt, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy…
Thể tích khối hồng cầu (HCT: Hematocrit): Là thể tích khối hồng cầu chiếm chỗ trong một lít máu toàn phần. Giá trị bình thường đối với người trưởng thành: Nam: 0.40-0.47 l/l; Nữ: 0.37-0.42 l/l.
– Thể tích khối hồng cầu tăng: Gặp trong trường hợp cô đặc máu, đa hồng cầu…
– Thể tích khối hồng cầu giảm: Gặp trong trường hợp thiếu máu.
Lượng huyết sắc tố (HGB: Hemoglobin): Là lượng huyết sắc tố có trong một lít máu toàn phần và là tiêu chuẩn được sử dụng để xác định tình trạng có thiếu máu hay không. Giá trị bình thường đối với người trưởng thành: Nam: 130-160 g/l; Nữ: 120-142 g/l
– Lượng huyết sắc tố tăng: Nghĩ đến bệnh đa hồng cầu.
– Lượng huyết sắc tố giảm: Nghĩ đến thiếu máu.
Lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH: Mean Corpuscular Hemoglobine): Lượng hemoglobin chứa trong một hồng cầu. Công thức tính: MCH = HGB/RBC. Giá trị bình thường đối với người trưởng thành: 28-32 pg.
Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC: Mean Corpuscular Hemoglobine Concentration): Là lượng huyết sắc tố chứa trong 1 lít hồng cầu. Công thức tính: MCHC= HGB/HCT. Giá trị bình thường đối với người trưởng thành: 320-360 g/l.
MCH và MCHC là những chỉ số được sử dụng để đánh giá tình trạng hồng cầu nhược sắc hay bình sắc: MCH giảm và/hoặc MCHC giảm: thiếu máu nhược sắc; MCH và MCHC trong giới hạn bình thường: thiếu máu bình sắc.
Thể tích trung bình hồng cầu (MCV: Mean Corpuscular Volume): là thể tích trung bình của một hồng cầu. Giá trị bình thường đối với người trưởng thành: 85-95 fl (fl=10-15).
Đánh giá là hồng cầu to khi MCV > 100fl, thường gặp trong: tan máu, suy tủy xương, thiếu vitamin B12 và acid folic; hồng cầu nhỏ khi MCV < 80fl: Gặp trong bệnh Thalassemia, các thiếu máu thiếu sắt…
Các chỉ số khác: Dải phân bố kích thước hồng cầu (RDW: Red Distribution Width), Tỷ lệ hồng cầu lưới (%RET: % Reticulocyte).
Số lượng bạch cầu (WBC: White Blood Cell): Số lượng bạch cầu có trong một lít máu toàn phần. Giá trị bình thường: 4.0-10.0 G/l.
Số lượng bạch cầu giảm trong một số tình trạng nhiễm độc, sốt virus, nhiễm khuẩn nặng, suy tủy, rối loạn sinh tủy, lơ-xê-mi cấp…
Số lượng bạch cầu tăng: tình trạng nhiễm trùng, lơ-xê-mi cấp, lơ-xê-mi kinh, ở phụ nữ sau kỳ kinh, khi mang thai. Cần lưu ý, với một số máy đếm tế bào, có tình trạng đếm nhầm hồng cầu non vào số lượng bạch cầu. Điều này có thể được loại trừ khi kiểm tra trên lam nhuộm giemsa.
Các chỉ số khác: Bạch cầu đoạn trung tính (NEU: Neutrophil), Bạch cầu lympho (LY: Lymphocyte), Bạch cầu mono (MO: Monocyte), Bạch cầu ưa bazơ (BA: basophil), Bạch cầu ưa acid (EO: eosinophil)
Số lượng tiểu cầu (PLT: Platelet): Là số lượng tiểu cầu có trong một lít máu toàn phần. Giá trị bình thường: 150-450 G/l.
– Số lượng tiểu cầu giảm: Gặp trong sốt virus, sốt Dengue, xuất huyết giảm tiểu cầu, DIC, xơ gan, suy tủy xương, lơ-xê-mi cấp, rối loạn sinh tủy.
– Số lượng tiểu cầu tăng: Gặp trong hội chứng tăng sinh tủy, sau cắt lách, tăng do một số bệnh lý khác (K phổi, K di căn phổi…)
Thể tích trung bình tiểu cầu (MPV: Mean Platelet Volume): Thể tích trung bình của một tiểu cầu. Giá trị bình thường: 5-8 fl.
– Khi MPV >12fl: Tiểu cầu to, gặp trong hội chứng tăng sinh tuỷ, rối loạn sinh tuỷ, xuất huyết giảm tiểu cầu, hội chứng Bernard Soulier.
– Khi MPV <2 fl: Tiểu cầu nhỏ, gặp trong suy tuỷ xương.
Một xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi bao gồm phần kết quả chạy máy đếm tế bào và phần kiểm tra tiêu bản được hoàn thành trong khoảng 2 giờ đồng hồ kể từ khi nhận mẫu bệnh phẩm.
(Theo Viện Huyết học & truyền máu trung ương)
Nguồn tin: vienhuyethoc.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Giới thiệu khái quát Khoa Dược – bệnh viện Đồng Nai là khoa chuyên môn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện. Khoa Dược có chức năng quản lý và tham mưu cho Giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng và...