Chuyện dài xuyên thế kỷ về hạt mơ và Vitamin B17 phòng chống ung thư

Thứ sáu - 09/12/2016 08:38
Chuyện dài xuyên thế kỷ về hạt mơ và Vitamin B17 phòng chống ung thư

Chuyện dài xuyên thế kỷ về hạt mơ và Vitamin B17 phòng chống ung thư

Lương y VÕ HÀ
 Quả mơ, nước mơ, dầu mơ là những loại thức ăn truyền thống của nhiều dân tộc. Tuy nhiên, việc sử dụng hoạt chất amygdalin từ hạt mơ trong điều trị ung thư còn có nhiều ý kiến khác nhau.  Trong lịch sử phát hiện, chế biến và sử dụng thuốc chữa bệnh, có lẽ chưa có loại thuốc nào gặp phải nhiều thách thức và cản ngại trên đường đến với người bệnh như Vitamin B17, hoạt chất amygdalin từ các loại hạt.

 Laetrile là gì?

Vào năm 1803 Pierre-Jean Robiquet  và  A. F. Boutron-Charlard đã trích xuất được hợp chất Amygdalin có công thứcC20H27NO11 từ hạt hạnh nhân đắng.  Sau đó người ta cũng tìm thấy hợp chất nầy từ hàng ngàn loại hạt khác, nhiều nhất ở hạt đào, hạt mơ. Amygdalin cũng có tên là Laetrile,    Nitriloside hay Vitamin B17.  Tên gọi Vitamin B17 (B17) dành cho Laetrile có nguồn gốc  từ  Tiến sĩ Ernst Krebs Jr.  với quan điểm nó là một  loại thực phẩm dinh dưỡng.  Laetrile là một hợp chất hoá học, khi vào cơ thể, dưới sự xúc tác của các enzym có sẵn trong hạt và những enzym khác trong ống tiêu hoá sẽ phóng thích ra benzaldehyde, hydrocyanide acid (HCN) và 2 phân tử đường.  HCN là một hợp chất chống phát triển khối u và giảm đau được dùng ở một số nơi để phòng chống ung thư.  Laetrile đã được dùng để chữa ung thư ở Nga, ở Mỹ từ năm 1920.  Laetrile được sản xuất công nghiệp lần đầu tiên từ hạt mơ có 2 tên thương mại là Aprikerrn và Bee Seventeen.  Aprikern có nghĩa làhạt mơ, chữ ghép lại của  2 từ Apricot (quả mơ) và Kernel (phần nhân, phần hạt).  Người ta cũng phân biệt Laetrile được sản xuất, cấp phép sử dụng ở một số nơi ở Mỹ là Laetrile nhân tạo được làm bằng cách tổng hợp, trong khi sản phẩm cùng tên sản xuất và sử dụng ở Mexico là loại có nguồn gốc tự nhiên được chế bằng cách nghiền nát hạt mơ.

Hạt mơ, quả mơ và  những món ăn truyền thống.
Quả mơ, hạt mơ, nước mơ, dầu mơ  đã từng là những loại thực phẩm truyền thống của nhiều dân tộc hoặc nhiều bộ lạc khác nhau, người Abkhasian ở Liên xô, Hunza ở Pakistan, bộ lạc Vilcabiumba ở Ecuador, một số bộ lạc ở Nigeria.  Ở nước ta, sản phẩm thông dụng nhất từ mơ là nước mơ và ô mai.  Trong quyển sách Hunza Health Secret, khi mô tả lối sống trường thọ, mạnh khoẻ và  năng động của những người Hunza, tác giả Renee Taylor đã cho biết dân ở đây đã tìm thấy một nguồn chất béo thực vật rất quý trong hạt mơ.  Nhiều nghiên cứu sau nầy đã cho thấy dầu thực vật có hàm lượng cao các loại acid béo chưa bão hoà hữu ích cho hệ tim mạch và hoạt động thần kinh  Dầu hạt mơ có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống ở Hunza.  Thậm chí việc gả chồng cho con gái cũng dựa vào yếu tố chàng trai có được bao nhiêu gốc mơ trong vườn nhà anh ta.  Hunza là một khu vực thung lũng trong dãy Hy Mã Lạp Sơn rộng khoảng 600 dặm vuông, cao khoảng 8000 feet khỏi mặt nước biển.  Những phụ nữ ở đây đã truyền cho nhau từ thế hệ nầy sang thế hệ khác về cách sử dụng những món ăn từ quả mơ, hạt mơ.  Họ dùng mơ dưới mọi hình thức.  Mơ được chế thành bột nhồi, mứt, bánh mì và nước mơ.  Dầu mơ để chiên xào, trộn salad, làm thuốc để đẹp da và đẹp tóc.  Hạt mơ cũng được cắn bể để ăn phần hạt bên trong.   Ở đây, người ta ăn mơ tươi 3 tháng mỗi năm, những tháng còn lại ăn mơ khô, ăn cả phần hạt bên trong.

Con đường lao khổ của những chiến sĩ kiên trung vì lời thề Hypocrate.

Năm 1973, hai loại sản phẩm công nghiệp đầu tiên từ hạt mơ, Aprikern và Bee Seventeen được bào chế thành viên nhộng dạng bột có ghi rõ là sản phẩm từ loại hạt ăn được.  Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng lưu hành, ngày 23.11.1973 lệnh cấm lưu hành và sử dụng  được ban hành bởi FDA, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ.  Cơ quan này đã cho rằng B17 có độc tính và không có hiệu quả.  Vào khoảng tháng 12/1975, cảnh sát liên bang Hoa Kỳ đã chặn bắt một chuyến hàng Laetrile dưới dạng viên và thuốc chích  đang trên đường vận chuyển ở Rochester, Minnesota.  Trước đó 3 ngày, ông Robert W. Bradford, một kỹ sư điện, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, cũng bị bắt giữ khi đang nhận Laetrile từ 2 người Mexico.  Ông Bradford là Chủ tịch Uỷ Ban về Quyền Tự Do chọn lựa trong điều trị ung thư (Committee for Freedom of Choice in Cancer therapy).  Uỷ Ban nầy đã được thành lập trước đó không lâu với 28.000 thành viên  bao gồm  1.100 nhân viên y tế với 800 Tiến sĩ y khoa  để tranh đấu cho quyền tự do hành nghề của Bác sĩ cũng như tự do chọn lựa cách trị liệu không độc hại cho người bệnh.  John A. Richardson là  một bác sĩ người Mỹ đã tiên phong trong liệu pháp dinh dưỡng.  Ông đã  không ngừng cổ xuý và công khai dùng B17 và cách ăn uống truyền thống để điều trị cho bệnh nhân ung thư.  Cuối năm 1976, ông đã bị bắt vì sử dụng  Laetrile.  Cảnh sát cũng đã đột kích vào Bệnh viện của ông, hành hung, còng tay và bắt đi 2 nhân viên, một nam và một nữ trong bệnh viện.  Không lâu trước đó, năm 1975, Bác sĩ James Privitera ở West Covina, California,  người đã công khai sử dụng B17 như liệu pháp dinh dưỡng bị ngưng hành nghề và phải ra trước Uỷ Ban Kiểm Soát Y Khoa vì đã sử dụng những liệu pháp chưa chứng minh được.
 Trong khi những việc cấm đoán tiếp tục diễn ra như trên thì hàng ngàn người Mỹ vẫn phải sang các bệnh viện ở Tijuana, Mexico để được chữa trị bằng B17.  Những người giàu hơn có thể đi đến Tây Đức hoặc một nơi khác để được dùng B17 hoặc những liệu pháp “phi chính thống” tương tự.  Khi trở lại, lúc đi ngang qua biên giới, họ phải cất dấu số lượng thuốc mang theo vì phải đối mặt với sự tịch thu bất cứ lúc nào.  Với ảnh hưởng của các cơ quan truyền thông, phong trào đòi quyền sử dụng B17 càng lan rộng.  Một Uỷ Ban thỉnh nguyện việc lập tức thử nghiệm tác dụng của B17 đã ra đời.  Ngày 26.2.1974, một bản thỉnh nguyện thư (the Test Laetrile Now Petition) mang theo 8.000 chữ ký, đại diện cho 43.000 bệnh nhân ung thư đã được gởi đến Tổng thống Nixon và các Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội Mỹ.  Bản thỉnh nguyện thư có ghi“mỗi người trong số 43.000 nạn nhân bệnh ung thư sẵn lòng tham gia vô điều kiện vào bất cứ cuộc thử nghiệm y khoa nào được tổ chức để kiểm tra tác dụng của thực phẩm chức năng có chứa Laetrile”

B17 độc và không độc.

HCN, hoạt chất chính trong B17,  là một chất có độc tính.  HCN tác dụng trên trung khu thần kinh, với liều nhỏ gây hưng phấn, liều lớn gây ức chế, có thể dẫn đến hôn mê.  FDA cho rằng với liều trung bình 2mg HCN mỗi viên thì 5 viên có thể gây ngộ độc cho trẻ em và 20 viên sẽ độc cho người lớn. Tuy nhiên, lý lẽ mà những nhà khoa học bảo vệ B17 đưa ra lại khác.  Liều lượng HCN có trong hạt mơ hoặc liều dùng hàng ngày là không đáng kể và tổng lượng mà FDA đã gợi ra để cho rằng có độc tính không hề xảy trong điều kiện  thực tế.  Trong những cộng đồng có truyền thống sử dụng các thực phẩm từ quả mơ, chưa có một thông tin nào cho thấy có xảy ra ngộ độc vì ăn hạt mơ, hay dầu mơ.  Các nhà khoa học giải thích, không giống như HCN trong thí nghiệm của FDA, dưới sự hiện diện của những enzym có sẵn trong hạt mơ và những enzym khác trong dịch tiêu hoá, lượng HCN sẽ được phóng thích và hấp thu từ từ mà không sợ tổn hại cho cơ thể.  Một luận điểm đáng chú ý nữa là một loại thuốc thường được sử dụng khi cân phân giữa hiệu quả và độc tính, giữa lợi và hại, khi mà điều lợi là cần thiết và luôn lớn hơn điều hại.  Penicillin có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm nhưng vẫn được lưu hành, nhân sâm đại bổ nhưng vẫn có những trường hợp vừa uống vào khỏi cổ đã tử vong.  Cụ thể ở bệnh ung thư, hoá chất xạ trị và B17, cái nào độc hơn cái nào.  Vậy mà  xạ trị vẫn gián tiếp được khuyến khích sử dụng và luôn được FDA bảo vệ!  Cũng cần nói thêm, không chỉ có B17, hạt mơ còn có B15 tức acid pangamic, được tìm thấy năm 1951 và được xem là một chất dinh dưỡng hữu ích trong nhiều bệnh về tim, gan, phổi như viêm gan, xơ gan.  Ngoài ra, hạt mơ còn có nhiều chất khoáng và chất chống oxy hoá khác để tạo nên một nhóm chất hổ tương, chất nầy làm tăng hiệu lực của chất kia để nâng cao sức miễn dịch và chống thoái hoá tế bào.  Do đó, B17 trong liệu pháp dinh dưỡng hoàn toàn khác với hoá chất HCN!  Không riêng gì những hợp chất có độc tính, giá trị bổ dưỡng hoặc trị liệu của một món thực dưỡng sẽ khác nhau do cách chế biến.  Chẳng hạn cà chua có tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên ăn cà chua sống không bằng cà chua nấu chín. Ăn nguyên quả cà chua tác dụng cao hơn nhiều so với ăn chất chiết xuất carotenoids từ cà chua.  Sau nầy một nghiên cứu ở Mỹ cũng cho thấy là ăn các loại thực phẩm tự nhiên có chứa các sinh tố  B6, B12 và Folate sẽ giảm nguy cơ ung thư tuỵ tương ứng là 81%, 73% và 52%.  Ngược lại những người dùng các viên sinh tố tổng hợp  có các sinh tố trên chẳng những không giảm mà còn tăng nguy cơ ung thư tuỵ lên đến 139%.
Ngoài ra, cũng nên biết rằng hợp chất amygdalin còn được tìm thấy trong rất nhiều loại hạt và rau củ khác như hạt kê, hạt đay, hạt mè, hạt hạnh nhân, hạt mận, hạt lê, hạt cherry, khoai mì, hạt đào.  (B17 không có trong hạt điều, hạt chanh).  Trong khi hạt mơ chỉ có khoảng 3% thì tỷ lệ nầy trong hạt đào là 3,5%.  Vậy mà hạt đào, thường gọi là đào nhân lại là một vị thuốc rất phổ biến trong Đông y.  Đào nhân có tác dụng phá huyết ứ, nhuận táo, hoạt trường. Liều dùng trung bình của đào nhân từ 6 đến 12g mỗi ngày. Sách Nam Dược Thần Hiệu có ghi lại 2 phương thuốc mà vị đào nhân có thể dùng với liều cao hơn nhiều.  Bí đại tiện, dùng 40g đào nhân luộc ăn cả lúc bụng đói. Ho hen, thở ngắn, dùng100g đào nhân giã nát, cho vào một bát nước lắng lấy nước cốt nấu cháu với gạo tẻ.

 Hiệu quả hay không hiệu quả ?

Từ những năm 1950s, nhiều nơi trên thế giới đã chú ý đến giá trị của B17.  Theo Tiến sĩ Manuel D. Navarro, Giáo sư sinh hoá ở trường Đại học Santo Tomas, Manila, Philippines  ”Laetrile là loại thuốc lý tưởng để điều trị ung thư”.  Tiến sĩ Ettore Guidetti thuộc trường Đại họcTurin, Ý cũng đã báo cáo trước Liên Đoàn Ung Thư Quốc Tế (International Union Against Cancer) vào năm 1954 rằng có thể điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng Laetrile mà không cần phải giải phẫu.  Tiếp theo, đã có nhiều nhà khoa học thuộc các nước khác nhau  như Anh, Bỉ, Nhật, Ý, Canada  hoặc đơn độc hoặc hợp tác trong nhiều nghiên cứu y khoa về tác dụng của B17.  Ở Mỹ, Tiến sĩ John A, Morron, trên cơ sở hợp tác nghiên cứu với những tổ chức ở Canada,  đã viết một  báo cáo về những bệnh nhân ung thư được điều trị với B17.  Báo cáo được phổ biến trên tạp chí Experimental Medicine and Surgery (số 4, 1962) có ghi rõ “những kết quả gây ấn tượng dặc biệt về giảm đau”.  Sau một hoặc 2 lần chích B17, có 5 trong số 10 bệnh nhân có cơn đau đã biến mất hoàn toàn.  Trong bảng tóm tắt, ông lưu ý đến những hiệu quả giảm đau, giảm mùi hôi thối, phát triển cảm giác thèm ăn và giảm viêm sưng nơi khối u.
Trong quyển sách Freedom from cancer của Macheal L. Culbert, ký giả báo Berkeley Daily Gazette, đã kể lại một trường hợp ung thư giai đoạn cuối được chữa khỏi.  Một thanh niên 18 tuổi ở Plainview đã được xét nghiệm và chẩn đoán là ung thư dịch hoàn giai đoạn cuối ở Bệnh viện Minnesota, đã trải qua phẫu thụât ở Bệnh viện Mayo.  Sau đó, Bác sĩ điều trị cho biết cần phải tiếp tục xạ trị.  Cũng vào thời điểm nầy cha mẹ cậu nghe nói về B17.  Tháng 1.1972, ông bà quyết định đưa cậu sang Bệnh viện Contreras ở Tijuna,  Mexico, không xa lắm từ Minnesota.  Trong thời gian ở đây, từ tháng 1 đến tháng 5.1972, cậu thanh niên được chích B17, thêm một số sinh tố, và một chế độ ăn khá nghiêm nhặt.  Sau đó, cậu trở về nhà và được tiếp tục dùng B17 dưới dạng thuốc viên.  Đến tháng 9.1972, tất cả các xét nghiệm kiểm soát bởi các bác sĩ người Mỹ ở địa phương  đã cho biết cậu đã hoàn toàn khỏi bệnh. 

Chân lý bị che mờ?

Vào tháng 1.1975, Tiến sĩ Chester Stock, Phó Chủ tịch Hội Nghiên Cứu Ung thư Sloan-Kettering ở Newyork (SK) khi trả lời phỏng vấn cho đài truyền hình Canada đã cho biết là đã có  những kết quả “rất có ý nghĩa” khi thử nghiệm  B17 trên loài chuột. Tuy nhiên, vấn đề cũng chỉ dừng lại ở đó và không có sự công bố chính thức. Đến tháng 7.1975, một phát ngôn viên của SK, khi trả lời phỏng vấn báo New York Times đã phủ nhận thông tin trên và nói rằng những thử nghiệm trước đó của Tiến sĩ Sugiura không được công nhận, dù cho vị nầy là một nhà khoa học hàng đầu về lãnh vực nầy lúc bấy giờ.  Đặc biệt, vào ngày 23.8.1975, phóng viên Culbert đã nhận được một bức thơ nặc danh có tiêu đề của hội SK (được gởi đến từ một viên chức của SK) kèm theo 32 trang giấy mô tả đầy đủ quá trình của 6 cuộc thử nghiệm B17 trên loài chuột. Nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Sugiura thuộc SK trong khoảng thời gian từ 3.8.1973 đến ngày 8.2.1975.  Tất cả các thử nghiệm đều cho thấy những tác động tích cực của B17 trên những con chuột bị ung thư, nhất là tác dụng phong toả khối u, không cho di căn.  Bức thư viết “Đây là một số kết quả thí nghiệm của Sloan-Kettering với Laetrile. Vì những áp lực chính trị, những kết quả nầy đã bị bưng bít, xin hãy cố gắng hết sức để những dữ liệu quan trọng này nhận được sự chú ý của công luận”.
Vào những năm 1970s, những báo cáo về sử dụng B17 từ Bác sĩ Ernesto Contreras có lẽ đáng lưu ý hơn cả.  Tiến sĩ Contreras tốt nghiệp Đại học Quân y Mexico, nghiên cứu sau đại học ở Boston, là Giám đốc Bệnh viện Del Mar ở Tijuna, Mexico. Báo cáo sơ khởi về 500 trường hợp giữa 1963 và 1967 cho biết B17 có hiệu quả tốt trong 64% và 36% không đáp ứng.  Đến 1976, theo hồ sơ y khoa của trên 10.000 bệnh nhân trong thời gian 14 năm, con số là 67% đáp ứng tích cực. Đáp ứng mà ông mô tả được ở các bệnh nhân gồm gia tăng sự bình an, giảm hoặc mất hẳn cảm giác đau đớn, lấy lại sắc diện, thèm ăn và tăng cân.  Ông không dùng từ chữa khỏi (cure) mà là kiểm soát (control).  Một số đã kiểm soát hoàn toàn căn bệnh.  35% đã không đáp ứng gì với B17.  Trong số 65% đáp ứng thì có khoảng phân nửa trong số nầy đã có dấu hiệu bệnh tái lại sau khi phục hồi được một thời gian.  Số còn lại từ sự hồi phục từng phần các triệu chứng cho đến biến mất hoàn toàn tất cả các triệu chứng.  Báo cáo cũng cho thấy hầu hết bệnh nhân ung thư của ông là người Mỹ, 90% số này là ung thư giai đoạn cuối, những người đã được chẩn đoán và xác định là chỉ còn sống một thời gian ngắn, vài ngày, vài tuần họăc vài tháng.
Ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, tỷ lệ 30% đáp ứng tốt quả là đáng khích lệ.  Tuy nhiên, vào khoảng 1982, dưới sự bảo trợ của NCI, Hội Ung Thư Quốc Gia Mỹ,  một cuộc nghiên cứu được thực hiện ở Bệnh viện Mayo Clinic và 3 Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư khác ở Mỹ trên 178 bệnh nhân ung thư đang phát triển lại được báo cáo là không chứng minh được hiệu quả gì trong điều trị ung thư!  Một số trường hợp khối u đã phát triển hoặc có dấu hiệu ngộ độc HCN!  Những người bảo vệ B17 không tỏ ra tin tưởng lắm độ xác thực của những dữ liệu nầy. Đó là chưa kể đến yêu cầu quan trọng của một liệu pháp dinh dưỡng là phải kèm theo một chế độ ăn nghiêm nhặt và B17 được sử dụng phải là loại có nguồn gốc thiên nhiên chớ không thể là loại hoá chất Laetrile, nhãn hiệu được cấp phép sản xuất tổng hợp ở Mỹ và là loại được sử dụng trong những nghiên cứu này.  

Chuyện không có hồi kết.

Tịch thu, bắt bớ, cấm đoán kể trên là dạo những năm 1970s.  Đó là những cao điểm trong phong trào đòi quyền bình đẳng cho B17 và việc tự do hành nghề, tự do sử dụng B17 trong điều trị ung thư ít tốn kém và không độc hại.  Đến nay, gần 40 năm trôi qua, trong số những người đã tranh đấu vì B17, nhà khoa học, bác sĩ điều trị hoặc bệnh nhân ung thư thì một số đã ra đi mà chưa thấy được kết quả.  Cho đến nay, chỉ có 19 tiểu bang trong số trên 50 tiểu bang của Hoa kỳ cho phép bán vị thuốc này với một số hạn chế về phương thức sử dụng. Cụ thể, tại California, nơi khởi xướng việc sử dụng B17, nơi mà B17 bị triệt để săn lùng và cấm đoán từ những năm 1970s thì đến nay tình hình vẫn không thay đổi,  B17 vẫn là món thực dưỡng vô thừa nhận!
Vào những năm 1970s, lý thuyết về những chất chống oxy hoá chưa được quan tâm nhiều, những người bảo vệ liệu pháp dinh dưỡng lúc đó đã cho rằng ung thư là một loại bệnh do thiếu dinh dưỡng.  Giống như thiếu Vitamin C sẽ bị bệnh Scurvy, thiếu Vitamin B3 sẽ bị Pellagra, thiếu B17 sẽ dễ dẫn đến ung thư.  Như vậy, là một loại  sinh tố, một thực phẩm chức năng thì vì lẽ gì nó đã bị  cấm đoán?   Phải chăng chỉ vì “có độc tính” hoặc “không hiệu quả”? G. Edward Friffin, tác giả quyển sách World without Cancer:The Story of Vitamin B17 cho rằng không thể tìm thấy câu trả lời từ phương diện khoa học mà phải từ phương diện chính trị, trên cơ sở những quyền lực của những  tập đoàn kinh tế.  Ông cho rằng hàng năm có hàng tỉ đô la bỏ ra cho việc nghiên cứu và hàng tỉ đô la khác cho việc sản xuất thuốc trị ung thư.  Có lẽ số người sống nhờ vào bệnh ung thư còn nhiều hơn cả số bệnh nhân chết vì ung thư.  Nếu giải pháp chữa ung thư hoặc phòng được bệnh ung thư chỉ bằng một loại sinh tố hoặc những thực phẩm chức năng đơn giản, dễ tìm, hoặc ít tốn kém thì chẳng lẽ kỹ nghệ đồ sộ về ung thư phải bị xóa sổ hay sao?
Có thể đó là những suy nghĩ qua khích. Tuy nhiên, ung thư là một kẻ thù nguy hiểm của nhân loại, đang bành trướng với tốc độ nhanh trong những năm gần đây. Do đó, bất cứ liệu pháp nào hoặc chất nào có khả năng điều trị hoặc có thể giúp vơi bớt nổi đau của người bệnh đều cần được đầu tư nghiên cứu.

B17 và liệu pháp tự nhiên.

HCN là một chất độc. Theo quan điểm về thực dưõng phương Đông, Laetrile tổng hợp cũng là một hoá chất độc hại.  Tuy nhiên, quả mơ, hạt mơ là những thực phẩm bổ dưỡng truyền thống. Quả mơ có nhiều chất chống oxy hoá mạnh  như Vitamin C, caroten, lycopen, quercetin.  Khi ăn nguyên quả mơ, chất xơ và những vi chất khác trong quả sẽ giúp cho các chất - kể cả HCN - được chuyển hoá phù hợp và hữu ích nhất cho cơ thể mà không sợ độc hại, miễn là không ăn quá nhiều cùng một lúc.  Mỗi người có thể ăn khoảng 10 quả mơ mỗi ngày, ăn cả hột, ăn mỗi lần từ 1 đến 2 quả, ăn nhiều lần trong ngày  mà không sợ nhiễm độc. Khi cần ăn nhiều hạt hơn, nên luộc chín trước khi ăn.
Không có một liệu pháp nào hoặc một loại chất, loại hạt đơn độc nào có thể đảm bảo chữa khỏi được ung thư. Bệnh ung thư là bệnh của hệ miễn dịch, chữa khỏi bệnh phải bao gồm nhiều biện pháp tổng hợp để nâng cao sức miễn dịch. Hiện nay nhiều nghiên cứu đã cho thấy nhiều chất chống oxy hoá trong các loại hạt thô và rau quả có tác dụng trung hoà những gốc tự do, nâng cao sức miễn dịch, bảo vệ màng tế bào qua đó đảo ngược tiến trình ung thư hoá.  Điều cần lưu ý là không thể chỉ ăn một loại hạt hoặc một loại rau quả, dù đó là loại có một vài chất chống oxy hoá cực mạnh.  Các nhà khoa học đều đồng ý rằng những vi chất dinh dưỡng đều hoạt động theo nhóm, sự hiện diện của chất này sẽ làm tăng tác dụng của chất kia.  Do đó cần ăn đa dạng nhiều loại rau củ quả, ngũ cốc và các loại đậu mè khác nhau vừa bảo đảm đủ  những nhóm chất cơ bản, vừa đủ những vi chất và chất chống oxy hoá cần thiết.
Ngoài ra, việc phòng chống ung thư sẽ không hữu hiệu nếu việc ăn nhiều hạt, rau quả không kèm theo các biện pháp nhằm giảm thiểu những gốc tự do hoặc chấm dứt việc phơi nhiễm những tác nhân gây ung thư.  Do đó, vận động hợp lý, thực hành thư giãn, sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu, tránh ăn các thực phẩm chế biến công nghiệp và các loại đạm động vật luôn là những biện pháp quan trọng trong việc chữa bệnh cũng như ngăn chận bệnh tái phát.

Tài liệu tham khảo:

-          Michael L. Culbert. Freedom from Cancer. 76’Press. Cal. 1976.
-          Earl Mindell. Vitamin Bible. Warner Books
-          http://en.wikipedia.org.VitaminB17
-          http:www.cancer.gov/cancertopics.
-          World without Cancer. www.VitaminB17.org.
-          http://www.cancertreatmentwatch.org/q/laetrile/commissioner.pdf
(Theo http://www.ykhoa.net/yhoccotruyen/voha/vh072.htm)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu

Thành tích Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Năm 2006: Bằng khen khoa Dược BVĐKĐN “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2006” - Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai – Số 454/QĐ – UBND. Năm 2007: Giấy chứng nhận Khoa Dược BVĐKĐN được tặng thưởng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” - Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng...

Văn bản mới

3468

Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19

Lượt xem:3208 | lượt tải:653

TT-52/2017-BYT

THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ ĐƠN THUỐC VÀ VIỆC KÊ ĐƠN THUỐC HÓA DƯỢC, SINH PHẨM TRONG ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ

Lượt xem:4007 | lượt tải:964

51/2017/TT-BYT

THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ PHẢN VỆ

Lượt xem:4313 | lượt tải:1081

43-2007-QĐ-BYT

QUYẾT ĐỊNH 43-2007-QĐ-BYT VỀ XỬ LÍ RÁC THẢI Y TẾ

Lượt xem:3312 | lượt tải:860

TT 20/2017/TT-BYT

NGHỊ ĐỊNH SỐ 20/2017/TT-BYT VỀ THUỐC VÀ NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC PHẢI KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

Lượt xem:5858 | lượt tải:1349

TT-26/2019-BYT

THÔNG TƯ 26-BYTQUY ĐỊNH VỀ DANH MỤC THUỐC HIẾM

Lượt xem:2985 | lượt tải:968

Công văn 22098/QLD-ĐK

Công văn 22098/QLD-ĐK về việc thống nhất chỉ định đối với thuốc Alphachymotrypsin dùng đường uống, ngậm dưới lưỡi

Lượt xem:6778 | lượt tải:932

07/2017/TT-BYT

DANH MỤC THUỐC KHÔNG KÊ ĐƠN - Thông tư 07/2017/TT-BYT

Lượt xem:6364 | lượt tải:266

15466/QLD – TT

Cục Quản lý Dược: Cập nhật hướng dẫn sử dụng đối với thuốc chứa hoạt chất metformin điều trị đái tháo đường tuýp II

Lượt xem:4352 | lượt tải:111

18584/QLD-ĐK

Cập nhật thông tin dược lý đối với thuốc chứa levonorgestrel sử dụng trong tránh thai khẩn cấp

Lượt xem:3613 | lượt tải:272
Thống kê
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay1,991
  • Tháng hiện tại91,131
  • Tổng lượt truy cập13,887,452
Video
Hình ảnh
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây