MỨC ĐỘ KHÁNG KHÁNG SINH CỦA E.COLI TRÊN BỆNH NHÂN NHIỄM KHUẨN HUYẾT- NGHIÊN CỨU HỒI CỨU TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỒNG NAI (2018 – 2021)

Thứ ba - 08/02/2022 15:55
MỨC ĐỘ KHÁNG KHÁNG SINH CỦA E.COLI TRÊN BỆNH NHÂN NHIỄM KHUẨN HUYẾT- NGHIÊN CỨU HỒI CỨU TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỒNG NAI (2018 – 2021)Đào Minh Ý, Đoàn Thị Kim Xuyến, Trần T Ngọc Châu
NCKH 3
NCKH 3
Mở đầu: Căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp là các trực khuẩn Gram âm và Escherichia coli là một trong những căn nguyên gây bệnh chính. Thách thức lớn nhất trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram âm chính là sự gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh, trong đó kháng cephalosporin thế hệ 3 hoặc kháng carbapenem được xếp vào ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu về nhiễm khuẩn huyết cũng cho thấy tỷ lệ vi khuẩn đề kháng kháng sinh đã ở mức đáng báo động, nhất là tỉ lệ chủng sinh men ESBL và đa kháng MDR là khá phổ biến đối với nhiễm khuẩn huyết do E.coli, đây vẫn là vấn đề chính đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, đặc biệt là đối với bệnh nhân bị shock nhiễm trùng huyết. Từ thực tế trên chúng tôi thực hiện đề tài: “Tỉ lệ nhiễm và mức độ kháng kháng sinh của chủng E.coli trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết: nghiên cứu hồi cứu tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (2018 – 2021)”.
Mục tiêu:
  • Mục tiêu 1: Xác định tỷ lệ nhiễm E.coli trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết (2018 – 2021).
  • Mục tiêu 2: Kiểm tra tính kháng thuốc bằng hệ thống tự động và các chủng sinh ESBL và Carbapenemase bằng phương pháp khoanh giấy kháng sinh.
  • Mục tiêu 2: Thống kê tỉ lệ các chủng đa kháng thuốc (MDR), siêu kháng (XDR).      
Đối tượng nghiên cứu: E.coli phân lập từ các chai cấy máu dương tính tại các khoa trong bệnh viện
Phương pháp nghiên cứu: Phân lập, định danh và làm kháng sinh đồ E.coli từ chai cấy máu bằng phương pháp kháng sinh đồ hệ thống tự động từ đó xác định tỷ lệ nhiễm E.coli và mức độ nhạy cảm của chủng với các thuốc kháng sinh hiện hành, xác định các dòng sinh ESBL, Carbapenemase tỉ lệ các chủng đa kháng (MDR) và siêu kháng (XDR)
Kết quả: Trong khoảng thời gian 2018 – 2021 chúng tôi ghi nhận 135 bệnh nhân có kết quả cấy máu dương tính với E.coli, tỉ lệ nhiễm là 21.53%, Khoa ngoại niệu chiếm tỉ lệ cao nhất (75%), tiêu hóa (50%). E.coli có mức đề kháng với hầu hầu hết các Cephalosporin thế hệ 1 (92.59%), tỉ lệ kháng cao với các Cephalosporin thế hệ 3 và 4 (Ceftazidime (69.40%), Ceftriaxone (69.63%), Cefepime (55.22%)). Tỉ lệ E.coli kháng Carbapenem khá thấp (Ertapenem là 8,96%, Imipenem là 3,15% và Meropenem là 1,55%), tỉ lệ chủng đa kháng (MDR) và siêu kháng (XDR) lần lượt là 64,44% và 5,19%. E.coli sinh ESBL và Carbapenemase lần lượt là 66,67%, 1,48%.
Kết luận: Qua thống kê cho thấy E. coli là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn huyết bệnh viện. Mặc dù đã có các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, tuy nhiên tình hình nhiễm khuẩn do vi khuẩn này luôn ở mức độ cao, trở thành thách thức lớn cho quản lý nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Việc lạm dụng các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporins thế hệ 3, 4 là một trong những lí do làm xuất hiện nhiều chủng E. coli có khả năng sinh β – lactamase phổ rộng, Mặc dù tỉ lệ kháng Carbapenem còn thấp, tuy nhiên kết quả này cho thấy thực trạng E. coli đề kháng kháng sinh nhóm Carbapenem ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết đã xuất hiện tại bệnh viện. Việc tăng cường sử dụng kháng sinh có thể là một trong các nguyên nhân gây tăng tỉ lệ đề kháng của vi khuẩn. Ngoài việc sinh men ESBL, tính đa kháng (MDR) là khá phổ biến với vi khuẩn E.coli, nhất là khi nhiều chủng đa kháng thuốc được ghi nhận ở dòng ESBL-EC. Đây là vấn đề cần quan tâm vì đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân bị shock nhiễm trùng huyết. Cũng đã xuất hiện tỉ lệ chủng siêu kháng (XDR) với tỉ lệ thấp nhưng đó là dấu hiệu cho thấy cần quan tâm hơn nữa trong việc lựa chọn kháng sinh.
Từ khóa: E.coli, ESBLs, Carbapenemase, b-lactam, XDR, MDR
 
MỞ ĐẦU
Nhiễm khuẩn huyết là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong, trong đó căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp là các trực khuẩn Gram âm và Escherichia coli là một trong những căn nguyên gây bệnh chính. Thách thức lớn nhất trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm chính là sự gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh, trong đó kháng cephalosporin thế hệ 3 hoặc kháng carbapenem được xếp vào ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu về nhiễm khuẩn huyết cũng cho thấy tỷ lệ vi khuẩn đề kháng kháng sinh đã ở mức đáng báo động. Tại các khoa hồi sức, tỉ lệ chủng sinh men ESBL và đa kháng MDR là khá phổ biến đối với nhiễm khuẩn huyết do E.coli, đây vẫn là vấn đề chính đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, đặc biệt là đối với bệnh nhân bị shock nhiễm trùng huyết.
Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi thực hiện đề tài: “Tỉ lệ nhiễm và mức độ kháng kháng sinh của chủng E.coli trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết: nghiên cứu hồi cứu tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (2018 – 2021)”
Mục tiêu:
  • Mục tiêu 1: Xác định tỷ lệ nhiễm E.coli trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết (2018 – 2021).
  • Mục tiêu 2: Kiểm tra tính kháng thuốc bằng hệ thống tự động Phoenix M50 và các chủng sinh ESBL và Carbapenemase bằng phương pháp khoanh giấy kháng sinh.
  • Mục tiêu 3: Thống kê tỉ lệ các chủng đa kháng thuốc (MDR), siêu kháng (XDR).
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu: E.coli phân lập từ các chai cấy máu dương tính tại các khoa/phòng trong bệnh viện
Thời gian nghiên cứu: Từ 01/01/2018 – 30/09/2021
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu hồi cứu (2018 – 2021)
Cỡ mẫu và chọn mẫu
  • Chọn mẫu
    • Tiêu chuẩn chọn mẫu: tất cả bệnh nhân (> 15 tuổi) có nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết và được chỉ định cấy máu.
    • Tiêu chuẩn từ chối: không đáp ứng với tiêu chuẩn chọn mẫu ở trên
  • Xử lý và phân tích số liệu: Sử dụng phần mềm Microsoft Excel, SPSS 16.0 phiên giải các kết quả xét nghiệm.
 
 
Nội dung nghiên cứu
  • Nội dung 1: Phân lập, định danh và làm kháng sinh đồ E.coli từ chai cấy máu bằng phương pháp kháng sinh đồ hệ thống tự động từ đó xác định tỷ lệ nhiễm E.coli và mức độ nhạy cảm của chủng với các thuốc kháng sinh hiện hành.
  • Nội dung 2:  Xác định các dòng sinh ESBL, Carbapenemase của chủng E.coli.
  • Nội dung 3: Thống kê tỉ lệ các chủng đa kháng (MDR) và siêu kháng (XDR)
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Tỉ lệ nhiễm E.coli phân lập từ các chai cấy máu
Đặc điểm đối tượng bệnh nhân
Bảng 1: Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
STT Đặc điểm đối tượng Tần số Tỉ lệ (%)
1 Độ tuổi Dưới 60 38 28.15%
2 Trên 60 97 71.85%
3 Giới tính Nam 48 35.55%
4 Nữ 87 64,44%
5 Thời gian cấy
sau khi nhập viện
Trước 48 giờ 49 36.30%
6 Sau 48 giờ 86 63.70%
 
            Nhận xét: Số lượng mẫu xét nghiệm tại thời điểm nghiên cứu là 135 mẫu cấy máu dương tính với E. coli. Trong đó, tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (71.85%). Tỉ lệ giới tính nữ cao nhất chiếm tỉ lệ 64.44%, trong khi đó nam chiếm 35.55%. Về thời gian cấy sau khi nhập viện, tỉ lệ bệnh phẩm cấy sau nhập viện 48 giờ chiếm tỉ lệ cao nhất (63.70%), ngược lại tỉ lệ trước 48 giờ là 36.30 %.
 
 
 
 
 
 
 
Tỉ lệ nhiễm E.coli từ các chai cấy máu
Bảng 2: Bảng phân bố các loài vi khuẩn từ chai cấy máu
STT Vi khuẩn Tần số Tỉ lệ (%)
1 Escherichia coli 135 21,53 %
2 Staphylococcus aureus 76 12,12 %
3 Staphylococcus spp 67 10,69 %
4 Klebsiella pneumoniae 58 9,25 %
5 Stenotrophomonas spp 30 4,78 %
6 Streptococcus spp 28 4,47 %
7 Acinetobacter baumannii 24 3,83 %
8 Pseudomonas aeruginosa 12 1,91 %
9 Enterococcus spp 11 1,75 %
10 Khác 186 29,67 %
 
 
 


Hình 1 Sự phân bố các loài vi khuẩn phân lập từ chai cấy máuTrong nghiên cứu này, chúng tôi thu được 135 bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với vi khuẩn E. coli chiếm tỉ lệ cao nhất 21,53%, sau đó là nhóm Staphylococcus spp, đặc biệt là chủng S. aureus chiếm 12,12%.
Tỉ lệ nhiễm E.coli theo độ tuổi, giới tính, thời gian nằm viện, và theo các khoa lâm sàng

 
Bảng 3: Tỉ lệ nhiễm E.coli theo độ tuổi
Độ tuổi Nhiễm Không nhiễm Tỉ lệ (%) χ2 = 2.739
P = 0.098
Dưới 60 38 176 17.76%
Trên 60 97 316 23.49%
Nhận xét: Kết quả của chúng tôi thu được có 97 bệnh nhân trên 60 tuổi nhiễm E.coli chiếm tỉ lệ 23,49%, trong khi đó tỉ lệ nhiễm E. coli ở những bệnh nhân dưới 60 tuổi là 17,76%.
Bảng 4: Tỉ lệ nhiễm E.coli theo giới tính
Giới tính Nhiễm Không nhiễm Tỉ lệ (%) χ2 = 15.491
P = 0.00
Nam 48 269 15,14%
Nữ 87 223 28,06%
            Nhận xét: Tỉ lệ nhiễm E. coli ở bệnh nhân nữ chiếm tỉ lệ cao nhất là 28,06%. Tỉ lệ nhiễm E. coli ở bệnh nhân nam chiếm tỉ lệ 15,14%,
Bảng 5: Tỉ lệ nhiễm E.coli theo thời gian nằm viện
Thời gian
nằm viện
Nhiễm Không nhiễm Tỉ lệ (%) χ2 = 0.355
P = 0.551
Cấy trước 48 giờ 49 225 21.78%
Cấy sau 48 giờ 86 444 19.37%
Nhận xét: Tỉ lệ nhiễm E. coli ở mẫu cấy trước 48 giờ cao hơn bệnh nhân nhập viện sau 48 giờ lần lượt chiếm 21,78% và 19,37%.
Bảng 6 Tỉ lệ nhiễm E.coli phân bố theo các khoa lâm sàng
Khoa Nhiễm Không nhiễm Tỉ lệ (%) χ2 = 25.134
P = 0.354
Khoa Cấp Cứu 75 229 32.75%
Khoa Nội Tiết 15 45 33.33%
Khoa HSTC Chống Độc 9 101 8.91%
Khoa Tiêu Hóa 7 14 50.00%
Khoa Nội Thần Kinh 5 36 13.89%
Khoa Tim Mạch 5 13 38.46%
Khoa Hô Hấp 3 11 27.27%
Khoa Ngoại Niệu 3 4 75.00%
Khác 13 39 33.33%
Nhận xét: Tỉ lệ phân bố E. coli ở khoa Ngoại niệu là cao nhất (75%), kế đến là khoa Tiêu hóa (50%), các khoa Cấp cứu, Nội tiết, Tim mạch có tỉ lệ gần như tương đương nhau.

 
2. Mức độ đề kháng kháng kháng sinh vi khuẩn E.coli
Tỉ lệ đề kháng kháng sinh của E.coli
Bảng 7 Tỉ lệ kháng kháng sinh của E.coli bằng pp kháng sinh đồ hệ thống tự động
STT Tên kháng sinh Tên
viết tắt
Nhạy (S) Trung gian (I) Kháng (R)
Số XN Tỉ lệ
(%)
Số XN Tỉ lệ
(%)
Số XN Tỉ lệ
(%)
1 Amikacin AMK 133 98.52% 0 0.00% 2 1.48%
2 Amoxicillin-Clavu AMC 42 40.38% 17 16.35% 45 43.27%
3 Ampicillin AMP 6 5.00% 1 0.83% 113 94.17%
4 Aztreonam AZM 34 28.57% 4 3.36% 81 68.07%
5 Cefazolin FAZ 8 7.41% 0 0.00% 100 92.59%
6 Cefepime FEP 50 37.31% 10 7.46% 74 55.22%
7 Cefoxitin FOX 87 72.50% 2 1.67% 31 25.83%
8 Ceftazidime CAZ 40 29.85% 1 0.75% 93 69.40%
9 Ceftriaxone CRO 39 28.89% 2 1.48% 94 69.63%
10 Cephalexin CN 1 1.35% 0 0.00% 73 98.65%
11 Chloramphenicol CHL 83 79.81% 7 6.73% 14 13.46%
12 Ciprofloxacin CIP 30 22.22% 9 6.67% 96 71.11%
13 Ertapenem ETP 119 88.81% 3 2.24% 12 8.96%
14 Gentamicin GEN 82 61.19% 1 0.75% 51 38.06%
15 Imipenem IMP 109 85.83% 14 11.02% 4 3.15%
16 Meropenem MEM 125 96.90% 2 1.55% 2 1.55%
17 Piperacillin-Tazobactam TZP 116 85.93% 9 6.67% 10 7.41%
18 Tetracycline TET 33 31.43% 1 0.95% 71 67.62%
19 Ticarcillin-Clavulanate TIM 41 34.45% 44 36.97% 34 28.57%
20 Tigecycline TGC 128 96.97% 3 2.27% 1 0.76%
21 Tobramycin TOB 53 51.96% 23 22.55% 26 25.49%
22 Trimethoprim-Sulfamethoxazole SXT 50 37.04% 0 0.00% 85 62.96%
 
Nhận xét: Kết quả từ bảng cho thấy E.coli tỉ lệ kháng khá cao đối với nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1, E.coli kháng Cefazolin và Cephalexin lần lượt là 92.59%và 98.65%. Đối với nhóm Cephalosporin thế hệ 3, tỉ lệ E.coli kháng Ceftriaxone và Ceftazidime lần lượt là 69,63% và 69,40%; Cefepime (Cephalosporin thế hệ 4) là 55,22%. Nhóm Carbapenem, E.coli kháng Ertapenem, Imipenem và Meropenem lần lượt là 8,96%, 3,15% và 1,55%.
Xác định khả năng sinh ESBL và Carbapenemase của E.coli
Bảng 8 Tỉ lệ E.coli sinh ESBL
Thông số
Chỉ tiêu
Tần số Tỉ lệ (%)
ESBL (+) 90 66,67 %
ESBL (-) 45 33,33 %
Nhận xét: Bảng 4.8 cho thấy chủng E. coli sinh ESBL là 66,67%
Bảng 9 Tỉ lệ E.coli kháng Carbapenem
Thông số
Chỉ tiêu
Tần số Tỉ lệ (%)
Carbapenemase (+) 2 1.48 %
Carbapenemase (-) 133 98,52 %
Nhận xét: Kết quả của chúng tôi cho thấy chỉ có 1,48% E. coli là có khả năng sinh Carbapenemase.
Xác định chủng E.coli đa kháng (MDR) và Siêu kháng thuốc (XDR)
Bảng 10 Tỉ lệ E.coli đa kháng (MDR)
Thông số
Chỉ tiêu
Tần số Tỉ lệ (%)
MDR (+) 82 64,44%
MDR (-) 53 35,56%
Nhận xét: Kết quả từ bảng cho thấy tỉ lệ E.coli đa kháng là 82/135 chiếm tỉ lệ 64,44%.
Bảng 11 Tỉ lệ E.coli siêu kháng thuốc XDR
Thông số
Chỉ tiêu
Tần số Tỉ lệ (%)
XDR (+) 7 5,19 %
XDR (-) 128 94,81 %
            Nhận xét: Tỉ lệ E.coli siêu kháng thuốc là 7/5128 chiếm tỉ lệ 5,19%.
BÀN LUẬN
1. Tỉ lệ nhiễm E. coli phân lập từ chai cấy máu dương tính
Đặc điểm đối tượng bệnh nhân
            Trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2021, chúng tôi ghi nhận 135 bệnh nhân có kết quả cấy máu dương tính với E. coli. Trong đó, bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (67,45%), Các bệnh nhân lớn tuổi thường có sức đề kháng kém cũng như có nhiều bệnh lý đi kèm như: cao huyết áp, tiểu đường, suy tim.
            Trong số 135 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, tỉ lệ nam là 35,55% thấp hơn nữ là 64,44%. Tỉ lệ bệnh phẩm cấy sau 48 giờ nhập viện dương tính là 63.70% cao gấp đôi tỉ lệ cấy dương tính trước 48 giờ nhập viện là 36,30%. Điều này là do bệnh nhân nằm viện càng lâu càng có nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện, được tiến hành nhiều thủ thuật, kỹ thuật xâm lấn, thêm vào đó những bệnh nhân này cũng thường là những bệnh nhân nặng hoặc mang nhiều bệnh phối hợp, khả năng đề kháng miễn dịch suy giảm nên cũng dễ bị các bệnh về nhiễm khuẩn bệnh viện hơn [5].
Tỉ lệ nhiễm E. coli phân lập từ chai cấy máu
Trong 627 mẫu chai cấy máu, có 135 lượt cấy ra vi khuẩn E. coli chiếm tỉ lệ cao nhất là 21,53%. Trong nghiên cứu Ma, Jie và cộng sự (2017) tại Trung Quốc từ năm 2012 – 2015 có 168 mẫu cấy máu cho kết quả là E. coli chiếm 33,33% [1], nghiên cứu của Hoàng Quỳnh Hương tại Thái Bình là 66% [3] cao hơn so với kết quả nghiên cứu từ đề tài này. Tuy nhiên tỉ lệ tương đương với kết quả nghiên cứu của Michael A. Pfaller và cộng sự (2020) trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết từ năm 2012 – 2017 cho thấy tỉ lệ nhiễm E. coli là 21,2% [2]. Từ các kết quả báo cáo trên, cho thấy kết quả nghiên cứu này có sự tương đương về tỷ lệ nhiễm E. coli phân lập từ chai cấy máu. Qua đó cho thấy E. coli là một trong những nguyên nhân hàng đầu nhiễm trùng bệnh viện. Mặc dù đã có các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, tuy nhiên tình hình nhiễm khuẩn do vi khuẩn này luôn ở mức độ cao, trở thành thách thức lớn cho quản lý nhiễm khuẩn tại bệnh viện [6].
Tỉ lệ nhiễm E. coli theo độ tuổi, giới tính, thời gian nằm viện và theo các khoa lâm sàng
            Kết quả Bảng 3 cho thấy tỉ lệ nhiễm E. coli ở những bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm tỉ lệ cao hơn những bệnh nhân dưới 60 tuổi (p >0.05). Mặc dù không tìm thấy mối liên quan giữa tỉ lệ nhiễm E. coli với độ tuổi nhưng cần lưu ý rằng bệnh nhân cao tuổi thường có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần điều trị lâu ngày. Do đó, bệnh nhân càng lớn tuổi càng dễ mắc các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện trong đó có E. coli.
Nghiên cứu của chúng tôi tìm thấy có sự khác biệt về tỉ lệ nhiễm E. coli giữa nam và nữ (p <0.05). Tỉ lệ cấy dương tính E. coli phân lập từ bệnh phẩm máu ở những bệnh nhân nhập viện sau 48 giờ cấy thấp hơn so với trước 48 giờ lần lượt là 19,37% và 21,78% (p >0.05). Sự khác biệt này không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên kết quả từ bảng 6 cho thấy tỉ lệ nhiễm E. coli tại khoa Ngoại niệu chiếm tỉ lệ cao nhất (75%) kế đến là khoa Tiêu hóa với tỉ lệ 50%, các khoa Tim mạch, Nội tiết và Cấp cứu chiếm tỉ lệ gần như tương đương nhau lần lượt là 38,46%, 33,33% và 32,75%. Có thể giải thích các kĩ thuật xâm lấn nhiều như các khoa ngoại niêu, tiêu hóa này càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa. Việc giữ vệ sinh không đúng cách lại càng dễ gây ra các đợt nhiễm khuẩn, lan truyền nhanh chóng giữa các bệnh nhân [7].
Mức độ đề kháng kháng sinh nhóm β – lactam của vi khuẩn E. coli
            Trong nghiên cứu của chúng tôi E. coli kháng hầu hết với kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1 với tỉ lệ kháng 92,59% đối với Cefazolin và 98,65% đối với Cephalexin. Nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 và 4, E. coli kháng Ceftazidime với tỉ lệ 69,40%, Ceftriaxone với tỉ lệ 69,63%, Cefepime với tỉ lệ 55,22%. Tỉ lệ E. coli kháng nhóm Carbapenem khá thấp: Ertapenem là 8,96%, Imipenem là 3,15% và Meropenem là 1,55%, tỉ lệ này cũng cao tương đương so với nghiên cứu của Hoàng Quỳnh Hương (2019) lần lượt là: 73.1% (Cefazolin), 51.6% (Ceftriaxone) [3]. Có thể thấy mức độ đề kháng kháng sinh của E. coli đang ở mức báo động, đặc biệt ở nhóm Cephalosporin thế hệ 3, 4 và Carbapenem. Trước thực trạng đề kháng kháng sinh cao như hiện nay, việc lựa chọn kháng sinh điều trị thực sự trở thành thách thức lớn trong thực hành lâm sàng.
Mức độ sinh ESBL và carbapenemase của E. coli
            Kết quả nghiên cứu của chúng tối thu được tỉ lệ E. coli sinh ESBL là 66,67%. Nhìn chung tỉ lệ E. coli sinh ESBL đang ở mức cao, cao hơn so với nghiên cứu Hoàng Quỳnh Hương là 34.8% [3]. Điều này chứng tỏ việc lạm dụng các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporins thế hệ 3, 4 là một trong những lí do làm xuất hiện nhiều chủng E. coli có khả năng sinh β – lactamase phổ rộng.
            Trong số các kháng sinh dự trữ cuối cùng, Carbapenem là kháng sinh có phổ rất rộng nên được ưu tiên sử dụng trong trường hợp nhiễm vi khuẩn nặng hay nhiễm vi khuẩn đa kháng. Carbapenem là kháng sinh ưu tiên lựa chọn điều trị E. coli sinh enzyme ESBL [5]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ E. coli sinh enzyme Carbapenemase là 1,48%. So sánh với tỉ lệ E. coli sinh Carbapenemase trong nghiên cứu của Jie Ma và cộng sự (2017) là 6%. Mặc dù tỉ lệ kháng Carbapenem còn thấp, tuy nhiên kết quả này cho thấy thực trạng E. coli đề kháng kháng sinh nhóm Carbapenem ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết đã xuất hiện tại bệnh viện. Việc tăng cường sử dụng kháng sinh có thể là một trong các nguyên nhân gây tăng tỉ lệ đề kháng của vi khuẩn. Với kết quả nghiên cứu này cũng đã báo động cho các bác sĩ nên lựa chọn kháng sinh phù hợp cho từng bệnh nhân để tránh tình trạng đa kháng thuốc.
 
 
 
Tỉ lệ các chủng đa kháng (MDR) và siêu kháng (XDR)
            Trong nghiên cứu này, tỉ lệ chủng đa kháng (MDR) và siêu kháng (XDR) lần lượt là 64,44% và 5,19%. Trong  nghiên cứu của Ma, Jie và cộng sự (2017) tỉ lệ chủng MDR là 85,6% và tỉ lệ chủng XDR là 2,4%. Như vậy ngoài việc sinh men ESBL, tính đa kháng (MDR) là khá phổ biến với vi khuẩn E.coli, nhất là khi nhiều chủng đa kháng thuốc được ghi nhận ở dòng ESBL-EC. Đây là vấn đề cần quan tâm vì đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân bị shock nhiễm trùng huyết. Cũng đã xuất hiện tỉ lệ chủng siêu kháng (XDR) với tỉ lệ thấp nhưng đó là dấu hiệu cho thấy cần quan tâm hơn nữa trong việc lựa chọn kháng sinh. Trong thử nghiệm kháng sinh đồ, Carbapenem và amikacin không chỉ thể hiện khả năng chống E.coli mà tỉ lệ đồng kháng với các kháng sinh khác cũng thấp. Chủng kháng Carbapenem vẫn còn nhạy hoàn toàn với Tygercylin và 60% Amikacin, tiếp đó đến piperacillin/tazobactam.
Liệu pháp điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm, kết hợp với aminoglycoside, đặc biệt amikacin, sẽ giúp ích trong việc gia tăng hoạt tính chống ESBL trong khi đối với bệnh nhân nhiễm trùng chủng đề kháng Carbapenem nghiêm trọng, nên xem xét việc kết hợp tigercycline với aminoglycoside.
KẾT LUẬN
Qua việc khảo sát tỉ lệ nhiễm và khả năng kháng kháng sinh của E. coli tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2018 - 2021, chúng tôi thu được kết quả như sau:
  • Tỉ lệ nhiễm E. coli trong tổng số bệnh nhân điều trị tại bênh viện là 21,53%.
  • Tỉ lệ nhiễm E. coli ở nhóm tuổi trên 60 tuổi cao hơn dưới 60 tuổi với tỉ lệ nhiễm theo thứ tự là 23,49% và 17,76%. Tỉ lệ E. coli phân lập được theo giới nữ là 28,06% chiếm ưu thế hơn so với nữa là 15,14%. Tỉ lệ nhiễm E. coli ở khoa Ngoại niệu chiếm tỉ lệ cao nhất với 75%%, kế đến là khoa Tiêu hóa (50%).
  • E. coli có mức đề kháng với hầu hết các kháng sinh thuộc nhóm β – lactam đặc biệt là kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1 (92,59% – 98,65%), kháng khá cao với Cephalosporin thế hệ 3, 4 (55,22% – 69,63%) và vẫn còn nhạy với Carbapenem (88,81% - 96,90%).
  • E. coli sinh ESBL và Carbapnemase lần lượt là 66,67% và 1,48%
  • Tỉ lệ E. coli đa kháng thuốc MDR và siêu kháng thuốc lần lượt là 64,44% và 5,19%.
 
 
 
 
 
KIẾN NGHỊ
            Nghiên cứu này đã bước đầu xác định vi khuẩn E. coli là tác nhân quan trọng gây nhiễm khuẩn huyết. Từ đó, tôi xin có đề nghị sau:
  • Nên có những nghiên cứu về gene kháng kháng sinh của vi khuẩn E. coli và dịch tễ học của nó để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả vi khuẩn này.
  • Nghiên cứu sự kháng thuốc thường niên, hiệu quả phát đồ điều trị để có thể dự đoán khuynh hướng kháng thuốc của vi khuẩn cũng như phác đồ để điều trị thích hợp để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí điều trị cũng như hạn chế sự phát sinh những chủng kháng thuốc mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Jie Ma, MD, PhD, Ning Li, MD, Yajie Liu, MD, Chong Wang, MD, PhD, Xiaoyan Liu, MD, Shengmei Chen, MD, Xinsheng Xie, MD, Silin Gan, MD, Meng Wang, MD, Weijie Cao, MD, PhD, Fang Wang, MD, Yanfan Liu, MD, PhD, Dingming Wan, MD, Ling Sun, MD, PhD, Hui Sun, MD. 2017. Antimicrobial resistance patterns, clinical features, and risk factors for septic shock and death of nosocomial E coli bacteremia in adult patients with hematological disease. Medicine, 96(21) e6959.
[2] Michael A. Pfaller, Cecilia G. Carvalhaes, Caitlin J. Smith, Daniel J. Diekema, Mariana Castanheira. 2020. Bacterial and fungal pathogens isolated from patients with bloodstream infection: frequency of occurrence and antimicrobial susceptibility patterns from the SENTRY Antimicrobial Surveillance Program (2012–2017). Diagnostic Microbiology and Infectious Disease, 115016.
[3] Hoàng Quỳnh Hương, Nguyễn Thanh Hằng. 2019. Nghiên cứu tình trạng kháng kháng sinh của một số chủng vi khuẩn Enterobacteriaceae gây nhiễm khuẩn huyết phân lập tại bệnh viện đa khoa Tỉnh Thái Bình.
[4] Lê Văn Nam, Trần Viết Tiến và Hoàng Vũ Hùng (2014), “Nghiên cứu mức độ nhạy cảm kháng sinh trên các chủng E. coli phân lập từ máu bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương”, Tạp chí Y dược học quân sự, 3, 97-101.
[5] Mai Lan Hương (2011), “Căn nguyên gây nhiễm trùng huyết và mức độ kháng kháng sinh của vi khuẩn phân lập tại Bệnh viện Bạch Mai từ 01/01/2011 đến 30/06/2011”, Luận văn Thạc sỹ y học, Đại học Y Hà Nội, tr.124.
[6] Trần Thanh Nga, Nguyễn Thanh Bảo, Cao Minh Nga (2015), “Tác nhân vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết và sự đề kháng kháng sinh tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy”, Tạp chí Y học Thành Phố Hồ Chí Minh, 19 (1), 105-106.
 

Tác giả bài viết: Khoa Vi sinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay2,003
  • Tháng hiện tại91,143
  • Tổng lượt truy cập13,887,464
Video
Hình ảnh
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây