Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

http://khoaduocbvdkdongnai.org


Hướng dẫn sử dụng albumin đường tĩnh mạch

Hướng dẫn sử dụng albumin đường tĩnh mạch
Albumin truyền tĩnh mạch là một chế phẩm máu có nguồn gốc từ con người được sản xuất từ ​​huyết tương người hiến tặng. Nó được sử dụng rộng rãi ở  bệnh nhân nội trú, cũng như ở những bệnh nhân ngoại trú bị biến chứng xơ gan. Albumin truyền tĩnh mạch đã được nghiên cứu trong nhiều thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, quy mô lớn, được thiết kế tốt ở nhiều nhóm bệnh nhân; dữ liệu cho thấy một số ứng dụng của albumin giúp cải thiện kết quả của bệnh nhân. Chi phí sản xuất, cung ứng albumin đắt hơn nhiều khi so sánh với dịch tinh thể. Hướng dẫn Hợp tác Quốc tế về Y học Truyền máu đã xây dựng hướng dẫn này để cung cấp cho các bác sĩ lâm sàng những khuyến cáo hữu ích để sử dụng albumin tiêm tĩnh mạch một cách thích hợp.
 
(1)  Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành (không bao gồm bệnh nhân bỏng  hoặc có hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS)), albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo là dung dịch đầu tay để tăng thể tích tuần hoàn hoặc để tăng nồng độ albumin huyết thanh.

(2)  Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành, bị bỏng hoặc ARDS, albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo để tăng thể tích tuần hoàn hoặc để tăng nồng độ albumin huyết thanh.

(3)  Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành, albumin đường tĩnh mạch phối hợp với thuốc lợi tiểu KHÔNG được khuyến cáo để loại bỏ dịch ngoại vi.

(4)  Ở bệnh nhân nhi bị nhiễm trùng và giảm tưới máu, albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo để giảm tỷ lệ tử vong.

(5)  Ở trẻ sơ sinh thiếu tháng (≤ 36 tuần) có nồng độ albumin huyết thanh thấp và suy hô hấp, albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo để cải thiện chức năng hô hấp.

(6)  Ở trẻ sơ sinh thiếu tháng (≤ 32 tuần hoặc ≤ 1,5 kg) có hoặc không có giảm tưới máu, albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo là dung dịch để tăng thể tích tuần hoàn.

(7)  Ở bệnh nhân đang điều trị thay thế thận (CRRT), albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị hạ huyết áp trong quá trình lọc máu hoặc để tăng hiệu quả lọc.
 
(8)  Ở bệnh nhân trưởng thành đang phẫu thuật tim, albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo để chuẩn bị mạch bắc cầu hoặc là dung dịch tăng thể tích tuần hoàn.

(9)  Ở bệnh nhân nhi đang phẫu thuật tim, albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo để chuẩn bị mạch bắc cầu hoặc là dung dịch tăng thể tích tuần hoàn.

(10)  Ở bệnh nhân xơ gan cổ chướng đang chọc dịch báng với thể tích lớn (> 5 lít), albumin đường tĩnh mạch được khuyến cáo để dự phòng rối loạn chức năng tuần hoàn sau chọc hút.

(11)  Ở bệnh nhân xơ gan bị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát, albumin đường tĩnh mạch được khuyến cáo để làm giảm tỷ lệ tử vong.

(12)  Ở bệnh nhân xơ gan bị nhiễm trùng ngoài phúc mạc, albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo để làm giảm tỷ lệ tử vong hoặc suy thận.

(13)  Ở bệnh nhân nội trú bị xơ gan mất bù có tình trạng giảm albumin máu (< 30 g/L), truyền albumin tĩnh mạch lặp lại để tăng nồng độ albumin > 30 g/L KHÔNG được khuyến cáo để làm giảm nhiễm trùng, hạn chế rối loạn chức năng thận hoặc tử vong.

(14)  Ở bệnh nhân ngoại trú bị xơ gan cổ trướng không biến chứng dù đã điều trị bằng thuốc lợi tiểu, albumin đường tĩnh mạch KHÔNG được khuyến cáo thường quy để làm giảm các biến chứng liên quan đến xơ gan.

(Use of Intravenous Albumin. Callum, JeannieFlores, Jerome et al.CHEST, Volume 0, Issue 0. https://doi.org/10.1016/j.chest.2024.02.049)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây