Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

http://khoaduocbvdkdongnai.org


TƯƠNG TÁC THUỐC GIỮA METFORMIN VÀ THUỐC CẢN QUANG CÓ CHỨA IOD

TƯƠNG TÁC THUỐC GIỮA METFORMIN VÀ THUỐC CẢN QUANG CÓ CHỨA IOD

Metformin không phải là một yếu tố nguy cơ phát triển tổn thương thận cấp liên quan đến thuốc cản quang và không chống chỉ định thuốc cản quang iod ở những bệnh nhân đang sử dụng thuốc này. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng (nhiễm toan lactic do metformin) có thể xảy ra ở những bệnh nhân dùng metformin mà sau đó tiến triển thành AKI (suy thận cấp) liên quan đến thuốc cản quang. Tiêm thuốc cản quang vào nội mạch ở những bệnh nhân đang dùng metformin có thể dẫn tới suy giảm cấp tính chức năng thận và gây nhiễm toan lactic. Theo các khuyến nghị, có bằng chứng cho thấy rằng, độc lập với chức năng thận, nguy cơ nhiễm toan lactic từ việc tích lũy metformin do suy thận cấp sau dùng thuốc cản quang là đặc biệt thấp khi không kèm theo các tình trạng cấp tính khác như nhiễm trùng huyết và/hoặc AKI. Do đó, không cần thiết phải ngừng metformin hoặc kiểm tra lại chức năng thận ở những bệnh nhân có chức năng thận bình thường đến suy thận mức độ trung bình:

Theo Quyết định 5948/QĐ-BYT về việc ban hành “Danh mục tương tác thuốc chống chỉ định trong thực hành lâm sàng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”:
1. Bệnh nhân có MLCT > 30 ml/phút/1,73m² và không có bằng chứng tổn thương thận cấp, được chỉ định tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch hoặc tiêm thuốc cản quang đường động mạch tiếp xúc với thận thứ cấp (ví dụ: bơm thuốc vào tim phải, động mạch phổi, động mạch cảnh, động mạch dưới đòn, động mạch vành, động mạch mạc treo hay động mạch dưới động mạch thận): tiếp tục sử dụng metformin như bình thường.
2. Bệnh nhân MLCT< 30 ml/phút/1,73m² tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch, đường động mạch tiếp xúc với thận thứ cấp, hoặc bệnh nhân tiêm thuốc cản quang đường động mạch tiếp xúc với thận đầu tiên (ví dụ: bơm thuốc vào tim trái, động mạch chủ ngực, động mạch chủ bụng trên động mạch thận hoặc động mạch thận) hoặc
có tổn thương thận: Ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm tiến hành thủ thuật chẩn đoán hình ảnh và không được dùng lại cho đến ít nhất 48 giờ sau đó. Sau 48 giờ, chỉ sử dụng lại metformin sau khi chức năng thận được đánh giá lại và cho thấy ổn định.
3. Thuốc cản quang iod có thể được sử dụng với bệnh nhân lọc máu hoặc lọc màng bụng và không cần thay đổi thời gian lọc.
Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam:
Ngừng sử dụng metformin trước hoặc tại thời điểm chiếu chụp có dùng thuốc cản quang chứa iod ở những bệnh nhân có eGFR trong khoảng 30-45ml/phút/1,73m2, bệnh nhân có tiền sử suy gan, nghiện rượu, suy tim hoặc những bệnh nhân sử dụng thuốc cản quang theo đường động mạch. Đánh giá lại eGFR sau khi chụp và sử dụng lại metformin nếu chức năng thận đã ổn định.
Theo Tờ hướng dẫn sử dụng:
Ngừng sử dụng metformin trước hoặc tại thời điểm chiếu chụp có dùng thuốc cản quang chứa iod ở những bệnh nhân có eGFR trong khoảng 30-60ml/phút/1,73m2, bệnh nhân có tiền sử suy gan, nghiện rượu suy tim hoặc những bệnh nhân sử dụng thuốc cản quang theo đường động mạch. Đánh giá lại eGFR sau khi chụp và sử dụng lại metformin nếu chức năng thận đã ổn định.
Theo các khuyến cáo trong hướng dẫn của Canada cập nhật năm 2022:
  • Không khuyến cáo ngừng metformin trước khi tiêm thuốc cản quang, và/hoặc đánh giá lại chức năng thận đối với những bệnh nhân có eGFR > 30 mL/phút/1,73 m2.
  • Khuyến cáo trên những bệnh nhân có eGFR ≤ 30 mL/phút/1,73 m2 hoặc có AKI, cần tạm ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm dùng thuốc cản quang. Thời gian ngừng metformin là trong tối thiểu 48 giờ và chỉ khi chức năng thận ổn định (creatinin huyết thanh tăng < 25% so với mức baseline) và việc tiếp tục sử dụng metformin cần được đánh giá lại bởi bác sĩ điều trị
  • Thuốc cản quang iod có thể được sử dụng với bệnh nhân lọc máu hoặc lọc màng bụng và không cần thay đổi thời gian lọc.
  • Khuyến cáo theo dõi nồng độ creatinin huyết thanh trong vòng 48-72 giờ sau khi tiêm động mạch thuốc cản quang trên tất cả các bệnh nhân có eGFR ≤ 30 mL/phút/1,73 m2. Với các bệnh nhân còn lại, nguy cơ AKI là cực kỳ thấp và không áp dụng xét nghiệm thường quy. Tuy nhiên, bất cứ bệnh nhân có nguy cơ nào cũng cần được hướng dẫn để thông báo nhân viên y tế và được đánh giá chức năng thận nếu có xuất hiện triệu chứng khó thở, phù ngoại vi, hoặc giảm lượng nước tiểu trong các ngày sau khi dùng thuốc cản quang.
  • Khuyến cáo đánh giá lâm sàng và xử trí AKI theo các hướng dẫn điều trị của KDIGO về AKI.
Lưu ý:
  • Các yếu tố nguy cơ: suy thận, suy tim, không đủ dịch hoặc thiếu dịch, sử dụng liều cao thuốc cản quang hoặc sử dụng đồng thời các thuốc độc tính trên thận khác.
  • Khuyến cáo về tương tác này không áp dụng trong trường hợp bơm thuốc cản quang iod để chụp X-quang tử cung - vòi trứng.
TLTK:
  • Dược thư Quốc Gia Việt Nam;
  • Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc;
  • Quyết định 5948/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục tương tác thuốc chống chỉ định trong thực hành lâm sàng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Cảnh giác Dược: Tổn thương thận cấp sau khi sử dụng thuốc cản quang: báo cáo ADR tự nguyện tại việt nam và một số khuyến cáo cập nhật trên thế giới.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây