Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

http://khoaduocbvdkdongnai.org


KHẢO SÁT TÌNH HÌNH SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH VỀ XƯƠNG KHỚP TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỒNG NAI

KHẢO SÁT TÌNH HÌNH SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH VỀ XƯƠNG KHỚP TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỒNG NAI
Cao Hữu Thanh Lâm, Lê Thị Anh Đào, Nguyễn Thị Ánh Tuyết
NCKH 4
TÓM TẮT
Mở đầu: Việc tuân thủ sử dụng thuốc luôn quan trọng để có kết quả điều trị tốt và với các bệnh lý cơ xương khớp nó càng trở nên quan trọng. Chính vì lý do đó mà chúng tôi thực hiện nghiên cứu “Khảo sát tình hình sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh về xương khớp tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai”.
Mục tiêu: 1. Khảo sát tình hình sử dụng thuốc điều trị một số bệnh về xương khớp. 2. Khảo sát tỷ lệ tuân thủ điều trị và xác định các yếu tố liên quan trong điều trị một số bệnh về xương khớp.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu mô tả cắt ngang tất cả bệnh nhân ngoại trú có một trong các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, gút đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 01/12/2020 đến 30/03/2021.
Kết quả: Nhóm tuổi >50t là nhóm có tỷ sử dụng thuốc cao hơn nhóm tuổi <50t (p=0,034), cũng như vậy thì có bệnh kèm theo cũng ảnh hưởng tới việc phải sử dụng thuốc trên bệnh nhân (p-=0,05). Nhóm bệnh nhân có tuân thủ sử dụng thuốc cao chiếm đa số (44,5%). Theo đó thì những bệnh nhân có bệnh lý nền kèm theo và bệnh nhân có ADE sẽ có sự tuân thủ tốt hơn (p= 0,035 và p= 0,013). Các yếu tố tuổi, học vấn, và phối hợp thuốc có liên quan tới sự tuân thủ sử dụng thuốc của bệnh nhân (p= <0,001).
Kết luận: Nhìn chung, các bệnh nhân có các bệnh về cơ xương khớp thường được điều trị bằng việc phối hợp nhiều nhóm thuốc, trong đó các thuốc NSAIDs và Sysadoa là được sử dụng phổ biến nhất, tác dụng phụ thường gặp nhất là đau dạ dày. Các bệnh nhân >50t và có bệnh lý nền cũng phải sử dụng nhiều thuốc hơn. Tuy nhiên, 2 nhóm này và các bệnh nhân phải phối thuốc hay có ADE lại là nhóm bệnh nhân có mức tuân thủ sử dụng thuốc ở mức cao. Việc tuân thủ sử dụng thuốc cao vẫn chiếm đa số trong nghiên cứu.
MỞ ĐẦU
Hiện nay thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, gút là bệnh lý thường gặp nhất nhưng chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh mà chủ yếu là thuốc điều trị triệu chứng như các thuốc giảm đau như acetaminophen và thuốc chống viêm Non-steroid. Các thuốc trên có hiệu quả rõ ràng trong việc kiểm soát triệu chứng bệnh với điều kiện là BN tuân thủ điều trị tốt. Việc tuân thủ điều trị đã được chứng minh là giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị, giảm chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho BN. Tuy nhiên nhiều khảo sát cho thấy việc tuân thủ trong điều trị còn thấp trong các nghiên cứu. Vì thế cần có các nghiên cứu về việc tuân thủ điều trị để cải thiện kết quả điều trị cho BN. Chính vì lý do đó chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với 2 mục tiêu:
1. Khảo sát tình hình sử dụng thuốc điều trị một số bệnh về xương khớp.
2. Khảo sát tỷ lệ tuân thủ điều trị và xác định các yếu tố liên quan.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Tất cả bệnh nhân ngoại trú có một trong các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, gút đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 01/12/2020 đến 30/03/2021.
Tiêu chuẩn chọn mẫu
Bệnh nhân có đơn thuốc ngoại trú được chẩn đoán thoái hóa khớp đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đồng ý tham gia nghiên cứu.
- Có đầy đủ thông tin của bệnh nhân.
- Có đầy đủ thông tin thuốc điều trị.
Tiêu chuẩn loại trừ
Những đơn thuốc không đủ thông tin của BN, không đủ thông tin thuốc điều trị. BN không tỉnh táo, suy giảm hay mất khả năng nhận thức, BN không liên lạc được qua 3 lần điện thoại.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang.
Phương thức lấy mẫu
Lấy mẫu thuận tiện.
KẾT QUẢ
Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu
 
 
 


Biểu đồ 1. Phân bố bệnh nhân theo nghề nghiệpTỷ lệ nam nữ gần tương đương nhau, tuổi trung bình là 62t, (86,5%>50t), phần lớn có ít nhất 1 bệnh kèm theo (92,5%), nghề nghiệp hưu trí + nội trợ chiếm 50,7%, trình độ học vấn 12/12 (55%). Số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dưới 1 năm chiếm đa số (94%).
 
 
 

Đặc điểm điều trị bệnh của bệnh nhânBiểu đồ 2. Tỷ lệ các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị
Các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm đau khi leo cầu thang và cứng khớp buổi sáng <30 phút (100%), đau khi đi bộ (99%), đau kiểu cơ học (94,5%), đau khi đứng (87,5) và tiếng động bất thường tại khớp khi vận động (78%).
Thuốc thường được sử dụng nhất là NSAIDs (88%) trong đó Meloxicam cao nhất chiếm 32,1% sau đó tới các thuốc Sysadoa (87%) với Glucosamine chiếm 99,4%. Với loại phối hợp thường gặp nhất là NSAIDs + Paracetamol + giãn cơ + Sysadoa (25,5%). Trong nhóm đơn trị liệu thì NSAIDs được sử dụng nhiều nhất
 
 
 


Biểu đồ 3. Các phối hợp thuốc được sử dụngĐặc điểm biến cố có hại của thuốc (ADE)
Đau dạ dày là ADE thường gặp nhất chiếm 66%.thấp nhất là mệt mỏi (5,5%), tỉ lệ BN không gặp các ADE trong quá trình điều trị chiếm 14%.
Các yếu tố ảnh hưởng tới việc phối hợp thuốc
Bảng 1. So sánh đặc điểm chung và đặc điểm điều trị
Đặc điểm
Nhóm tuổi
NSAIDs oral
(N=176)
Paracetamol
(N=111)
SYSADOAs
(N=174)
P
>50 tuổi 153 (76,5%) 88 (44%) 150 (75%) 0,034
<50 tuổi 23 (11,5%) 13 (6%) 24 (12%)
 
Nhóm tuổi >50t là nhóm có tỷ sử dụng thuốc cao hơn nhóm tuổi <50t (p=0,034), cũng như vậy thì có bệnh kèm theo cũng ảnh hưởng tới việc phải sử dụng thuốc trên bệnh nhân (p-=0,05).
Một số yếu tố liên quan đến tuân thủ sử dụng thuốc
Kết quả điểm tuân thủ sử dụng thuốc theo MMAS-8
            Hai lý do thường gặp ảnh hưởng tới viêc tuân thủ sử dụng thuốc là bệnh nhân tự ý giảm liều do bệnh đã được kiểm soát (18,5%) hoặc do tình trạng bệnh xấu hơn (13,5%). Tiếp theo là do quên uống thuốc (14,5%) và quên mang thuốc khi đi xa (6,5%).
Mức độ tuân thủ sử dụng thuốc của bệnh nhân
Bảng 2. Mức độ tuân thủ sử dụng thuốc của bệnh nhân
Mức độ tuân thủ Số bn (n=200) Tỉ lệ (%)
Cao 89 44,5
Trung bình 69 34,6
Thấp 42 20,9
Tổng 200 100
 
            Hầu hết BN có mức độ tuân thủ sử dụng thuốc cao (34,6%), mức độ tuân thủ kém (20,9%).
Một số yếu tố ảnh hưởng tới mức độ tuân thủ sử dụng thuốc
Bảng 3. Một số yếu tố ảnh hưởng tới mức độ tuân thủ sử dụng thuốc
Đặc điểm Tuân thủ tốt Không tuân thủ P
Giới tính Nam 41 (20,5%) 55 (27,5%) 0,035
Nữ 48(24%) 56 (28%)
Bệnh kèm theo 81 (40,5%) 99 (49,5%) 0,03
Không 8 (4%) 12 (6%)
ADE Không 57 (28,5%) 65 (32,5%) 0,013
32 (16%) 46 (23%)
            Kết quả nghiên cứu cho thấy những yếu tố giới tính, bệnh kèm theo, ADE có ảnh hưởng tới mức độ tuân thủ sử dụng thuốc.
            Theo kết quả phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy yếu tố tuổi (p<0,001), học vấn (p<0,001) và phối hợp thuốc (p<0,04) có ảnh hưởng tới mức độ tuân thủ sử dụng thuốc.
BÀN LUẬN
ĐẶC ĐIỂM NỀN CỦA BỆNH NHÂN
Đặc điểm chung
Tuổi trung vị của BN trong NC của chúng tôi là 62 (56-69). Kết quả này tương đồng với NC Bùi Hải Bình với độ tuổi trung bình là 61,0 ± 7,98 (46-82) [1].
Nhiều NC cho thấy THK nguyên phát có vai trò lớn của tuổi: tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Trong NC của chúng tôi, tỉ lệ BN ở nhóm tuổi >50 tuổi chiếm 86,5%. Kết qua này cũng tương tự NC của Đinh Thị Diệu Hằng cho thấy tỷ lệ BN mắc THK gối tăng cao ở những người nhóm tuổi từ 50 trở lên, đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên [4].  
Trong NC của chúng tôi, nữ chiếm tỉ lệ 52%. Kết quả này cũng tương tự với tác giả khác là tỷ lệ bị THK gối ở phụ nữ cao hơn nam giới. NC Phan Thị Thơn (2015), nữ chiếm 64,59% [6];
Theo Cooper [17] trong một NC trên 2101 người cả nam và nữ trên 50 tuổi cho thấy những người có tư thế ngồi xổm hay quỳ trên 30 phút mỗi ngày, hoặc lên xuống cầu thang máy bay trên 10 chuyến bay mỗi ngày có nguy cơ thoái hóa tăng lần lượt là 6,9; 3,4 và 2,7 lần. Ở Việt Nam, những nghề có công việc nặng nhọc kéo dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần như: làm ruộng, gánh nặng, bưng bê, khuân vác nặng, đứng lâu, đi lên xuống cầu thang bộ nhiều lần trong ngày… là những nghề nghiệp có nguy cơ cao với bệnh THK gối.
Bệnh kèm theo
Về mối liên quan giữa THK với một số bệnh lý thuộc hội chứng chuyển hóa. Trong NC của chúng tôi, tỉ lệ rối loạn lipid huyết 20%, tăng huyết áp là 21% và đái tháo đường là 9,5%.  Tỷ lệ mắc các bệnh trên trong NC của chúng tôi thấp hơn NC của Bùi Hải Bình với BN có rối loạn mỡ máu chiếm 52,4%, tăng huyết áp là 42,8% và đái tháo đường là 16,7%. Đồng thời cũng thấp hơn nhiều so với NC của Puenpatom và cộng sự [18], trong đó ở nhóm THK có 75% kèm tăng huyết áp, 63% có béo phì, 30% có tăng đường huyết.
Tiền sử điều trị 
Trong NC của chúng tôi tỉ lệ BN có số lần điều trị 2-10 lần chiếm tỉ lệ cao nhất (65,5%). Trong NC của Bùi Hải Bình tỷ lệ BN đã sử dụng thuốc điều trị THK gối trước khi đến viện khá cao, với 79,7% dùng thuốc chống viêm không steroid, 82,1% dùng thuốc cơ bản như glucosamin, chondroitin, diacerin và 35,7% dùng thuốc giảm đau paracetamol. Tỷ lệ dùng các biện pháp điều trị tại chỗ như hút dịch (33,3%), tiêm corticoid (61,9%), tiêm acid hyaluronic (44%) [1].  
Thời gian mắc bệnh 
Tỉ lệ BN có thời gian mắc bệnh dưới 12 tháng chiếm đa số (94%). Kết quả của chúng tôi khác biệt với các NC khác. Trong NC của Bùi Hải Bình, thời gian mắc bệnh trung bình là 37 ± 33,7 (6-168) tháng [1]. Theo NC của Nguyễn Văn Pho [3] thời gian mắc bệnh trung bình trong NC là 4,3± 2,7 năm với thời gian mắc bệnh từ 1 đến 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất là 70,9%.
Loại thoái hóa khớp và triệu chứng thoái hóa khớp
NC của chúng tôi có tỉ lệ THK gối là 97,5%, khớp háng là 2,5%. Kết quả này cao hơn NC Nguyễn Thị Mộng Trang với tỷ lệ THK gối là 52,5%, khớp háng 1,8% [5] Trong NC của Wang F và cộng sự THK gối (40.4 %), thoái hóa đa khớp (17.5 %), THK tay (15.2 %) [8].
NC của chúng tôi có 66,5% BN đau khớp vào ban đêm. Trong đó: đau khi đi bộ 79%, đau khi đứng lâu trên 30 phút là 100%, đau khi lên xuống cầu thang 100%, đau khi chuyển tư thế đứng lên khỏi ghế không vịn tay 55%. So với các NC của Đặng Hồng Hoa [2] đau khi đi bộ chiếm 95,2%, đau khi đứng lâu trên 30 phút là 78,6%, đau khi lên cầu thang chiếm 59,5%, xuống cầu thang chiếm 69,0%, đau khi chuyển tư thế đứng lên khỏi ghế không vịn tay 61,9%.
ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP  
Phối hợp thuốc điều trị thoái hóa khớp
Phối hợp thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị THK chủ yếu phối hợp ít nhất ba thuốc (63%), phối hợp thuốc 2 thuốc chiếm 31% và thấp nhất là phối hợp thuốc 1 thuốc (6%). Kết quả này tương đồng với NC của Wang F và cộng sự [8] cho thấy khoảng một nửa số BN sử dụng ít nhất 3 thuốc mỗi năm (53,5%), 80% sử dụng 2 loại thuốc trở lên, trong khi chỉ có một số BN hạn chế sử dụng chỉ một thuốc (14,6%) hoặc không sử dụng thuốc (6,8%).
Trong NC của chúng tôi, phối hợp NSAIDs uống + Paracetamol + Giãn cơ + SYSADOA chiếm tỷ lệ cao nhất (25,5%), tiếp theo là phối hợp thuốc NSAIDs uống + SYSADOAs chiếm tỉ lệ 24,5%. Kết quả này cũng phù hợp NC Wang F và cộng sự [8] với các phối hợp thuốc kết hợp thuốc thường được sử dụng là NSAID tại chỗ + thuốc giảm đau, NSAID đường uống + thuốc giảm đau và SYSADOAs + NSAID đường uống.  
Các nhóm thuốc điều trị thoái hóa khớp
Trong NC của chúng tôi, các loại thuốc được sử dụng bao gồm thuốc giảm đau (paracetamol), NSAIDs uống và bôi, thuốc giảm triệu chứng tác dụng chậm ở bệnh xương khớp (SYSADOA) và thuốc giãn cơ. Các loại thuốc được sử dụng thường xuyên nhất là NSAIDs đường uống (88%), glucosamine (86,5%) và paracetamol (55,5%), giãn cơ (46,5%), NSAIDs bôi ngoài da (28%). Hai nhóm thuốc ít được sử dụng nhất gồm giảm đau thần kinh và corticoid (3% và 2% tương ứng). Kết quả này tương đồng với NC của Nicholas W và cộng sự (2015), các loại thuốc được sử dụng thường xuyên nhất là chondroitin (21,2%), glucosamine (15,8%) và NSAID đường uống (14,4%)[9].
Những BN đang bị đau khớp từ mức độ nhẹ đến nặng; NSAIDS đường uống được khuyến khích [a33]. Các quan sát trong NC này đặc biệt phù hợp với BN THK, những người trước đây có nguy cơ bị các sự cố tim mạch. 
Theo NC của Sale và cộng sự [14], BN rất tin tưởng vào NSAID vì luôn thỏa mãn nhu cầu của họ. Ngược lại, BN ít phụ thuộc hơn vào paracetamol vì không chắc chắn hoặc hoài nghi về hiệu quả của nó. Trong NC của tôi, Meloxicam là NSAID phổ biến nhất được sử dụng (32,1%), tiếp theo là Nabumeton (20%), celecoxib (13,3%) và Dexibuprofen (10,9%). Thuốc bảo vệ dạ dày được sử dụng với tỷ lệ 95,5% cùng với NSAIDS không chọn lọc để ngăn ngừa các biến cố có hại trên đường tiêu hóa.
Có đến 87% BN được điều trị bổ trợ bằng diacerin, glucosamine sulphat, mặc dù những thuốc này có tác dụng điều chỉnh triệu chứng trong THK. Các khuyến nghị của EULAR và OARSI đã ủng hộ việc sử dụng SYSADOA-glucosamine sulphate, diacerin, đặc biệt trong NC liên quan THK. Sử dụng glucosamine sulfate hoặc chondroitin được khuyến cáo là bước đầu tiên trong việc quản lí bệnh THK gối [10], [11]. Mikhail và cộng sự nhận thấy rằng nhiều BN trong nhóm NC của họ đã sử dụng glucosamine, nhưng không ai thấy nó hiệu quả [15] Trong NC của chúng tôi không có đơn thuốc được kê đơn opioid.
 
TUÂN THỦ SỬ DỤNG THUỐC VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN   
Kết quả phỏng vấn theo thang đo MMAS-8
Kết quả phỏng vấn theo thang đo MMAS – 8 trên 200 BN cho thấy BN tự ý ngưng hoặc giảm liều do bệnh đã được kiểm soát hoặc do tình trạng bệnh xấu hơn là lý do hàng đầu dẫn đến việc tuân thủ sử dụng thuốc chưa cao ở BN bị THK (18,5% và 13,5%). Kết quả này tương đồng NC của Harrold, L. R và cộng sự [19], cho thấy một phần tư số người tham gia NC báo cáo đôi khi quên uống thuốc điều trị THK, 16% BN ít quan tâm đến việc dùng thuốc và 27% BN ngừng uống thuốc khi họ cảm thấy tốt hơn.
Lý do quên uống thuốc điều trị THK trong NC của chúng tôi chiếm tỷ lệ 14,5%, nguyên nhân có thể là do bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai thường cho thuốc BN uống 1 tuần rồi đi tái khám để hạn chế vượt định mức số tiền trong 1 đơn thuốc, điều này khiến BN uống hết thuốc mà chưa kịp đi lấy nên đã nghĩ ngắt quãng thời gian giữa hai tuần thuốc.  Có 27 trường hợp ngưng thuốc vì cảm thấy bệnh càng tồi tệ hơn là do BN gặp phải biến cố có hại quá mạnh làm BN mệt mỏi, khó chịu hơn cả khi chưa uống thuốc.  
Mức độ tuân thủ sử dụng thuốc của BN
Kết quả về mức độ tuân thủ của BN trong NC của chúng tôi có 44,5% BN có mức độ tuân thủ thuốc cao, tuân thủ trung bình là 34,6%, còn mức độ tuân thủ kém là 20,9%. Kết quả này tương đồng với NC của Uckun AC  và cộng sự, theo thang điểm Morisky, 34,1%, 15,9% và 50% BN lần lượt được phân loại là tuân thủ thấp, trung bình và cao [13].
Ta cũng thấy rằng đặc điểm nền của BN trong nhóm tuân thủ tốt tỷ lệ nữ nhiền hơn nam, nhóm tuổi ≥ 50 cũng cao hơn nhóm tuổi < 50 tuổi do họ ý thức được sức khỏe của họ không được tốt như trước và tuổi tác cũng là yếu tố của bệnh tật nên họ luôn chăm lo sức khỏe của mình nhiều hơn. ADE không có thì tỷ lệ tuân thủ cũng cao hơn. Các ADE sẽ làm khó chịu cho người bệnh nhất là những biểu hiện như khó tiêu, đầy bụng, ợ hơi…
 Các yếu tố liên quan đến mức độ tuân thủ dùng thuốc
Giữa hai nhóm BN tuân thủ và không tuân thủ, kết quả phân tích cho thấy có mối liên hệ giữa yếu tố tuổi, trình độ học vấn, loại phối hợp thuốc sử dụng với mức TTDT của BN.
Tuổi: nhóm tuổi>50 tuổi có mức độ tuân thủ cao hơn nhóm tuổi<50 (p=0,001, OR = 1,544, CI 95% 0,086-3,205). Tác giả Tan C và cộng sự [20] cũng tìm ra mối liên hệ này với p = 0,015.
Trình độ học vấn: những BN có trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên có mức độ tuân thủ cao hơn (p=0,003, OR = 8,472, CI 95% 4,099-17,510). Kết quả này tương tự NC của Tan C và cộng sự với mức độ tuân thủ liên quan trình độ học vấn (p = 0,011) [20].
Phối hợp thuốc điều trị: Nhóm BN được kê đơn phối hợp thuốc NSAIDs uống và bôi ngoài da phối hợp SYSADOA có mức độ tuân thủ tốt hơn (p=0,04, OR = 5,634, 95%CI 1,001-31,715). Điều này được lý giải trong NC của de Klerk E và cộng sự, sự gia tăng số lượng thuốc chữa bệnh và thời gian điều trị đã được chứng minh là giảm việc tuân thủ thuốc điều trị THK. Sự phức tạp của một phối hợp thuốc điều trị cũng tương quan với việc ít tuân thủ điều trị của BN [16].
Chúng tôi chưa tìm ra sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các đặc điểm như giới tính, nghề nghiệp, bệnh kèm, ADE, thời gian mắc bệnh, thời gian sử dụng phối hợp thuốc với sự tuân thủ điều trị. Kết quả này cũng tương đồng với Blamey R và cộng sự [12]. Tuy nhiên có sự khác biệt về yếu tố liên quan mức độ tuân thủ sử dụng thuốc trong NC của chúng tôi so với NC của Blamey R [12] và NC của Alami S [7]. NC của Blamey R và cộng sự, trong hồi quy tuyến tính đa biến, hiệu quả điều trị và mức độ thường xuyên của việc sử dụng thuốc giảm đau liên quan có ý nghĩa (p <0,01) và việc sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên hơn có liên quan đến đau nhiều hơn, OR=-0,82, 95%CI (-1,13-0,52) [12].
KẾT LUẬN
Qua quá trình NC, chúng tôi khảo sát 200 BN và thu được kết quả như sau:
Đặc điểm nền của BN: Tuổi trung vị (IQR) của BN trong mẫu NC là 62 (56-69), trong đó nhóm ≥ 50 tuổi có tần suất mắc bệnh cao hơn (86,5%). Tỷ lệ nữ giới trong mẫu NC chiếm đa số (52%), trình độ học vấn cấp 3 là chủ yếu (55%), nghề nghiệp hưu trí là chủ yếu (26,5%). Về lối sống, hút thuốc lá và rượu bia với các tỷ lệ lần lượt là 32% và 49%.
Đặc điểm bệnh: Đa phần BN trong mẫu NC mắc 1 bệnh kèm (58%), các bệnh lý liên quan tiêu hóa là bệnh kèm thường gặp nhất (85,5%), phần lớn BN có tiền sử điều trị bệnh THK 2-10 lần (65,5%) và thời gian mắc bệnh dưới 1 năm chiếm đa số (94%). Triệu chứng thường gặp nhất bao gồm đau khi leo cầu thang và cứng khớp vào buổi sáng <30 phút (100%), đau khi đi bộ (99%), đau kiểu cơ học (94,5%), đau khi đứng (87,5%) và tiếng động bất thường tại khớp khi vận động (78%).
Tình hình sử dụng thuốc: Phối hợp thuốc được sử dụng nhiều nhất là phối hợp thuốc phối hợp ≥ 3 thuốc (63%), trong đó phối hợp thuốc NSAIDs uống + Paracetamol + Giãn cơ + SYSADOA chiếm tỷ lệ cao nhất (25,5%). Đau dạ dày là ADE thường gặp nhất 66%.
Đánh giá tuân thủ điều trị: Hai lý do mà BN không tuân thủ chủ yếu là BN tự ý ngưng hoặc giảm liều do bệnh đã được kiểm soát (18,5%) hoặc do tình trạng bệnh xấu hơn (13,5%). 44,5% BN có mức độ tuân thủ cao, 34,6% BN có mức độ tuân thủ trung bình, còn mức độ tuân thủ kém chiếm 20,9%. Theo kết quả phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy yếu tố tuổi (p = 0,001, OR = 1,544, CI 95% 0,086-3,205), học vấn (học vấn cao) (p = 0,003, OR = 8,472, CI 95% 4,099-17,510) và phối hợp thuốc điều trị (Phối hợp thuốc NSAIDs uống và bôi ngoài da phối hợp SYSADOA) (p = 0,04, OR = 5,634, CI 95% 1,001-31,715) có mối liên quan với TTĐT của BN. 
 
KIẾN NGHỊ
Từ kết quả đề tài NC, để nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện việc tuân thủ dùng thuốc, chúng tôi đưa ra các kiến nghị như sau:
Bệnh viện nên theo dõi các phản ứng có hại của thuốc có thể xảy ra để đưa ra hướng giải quyết, xử trí phù hợp, an toàn nhất.
Bệnh viện nên lựa chọn nhóm thuốc, biệt dược có giá thành phù hợp với từng nhóm BN, đặc biệt là nhóm BN có thu nhập thấp như nông dân, hưu trí,… để BN có thể tiếp nhận và thực hiện tốt phối hợp thuốc điều trị THK và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Nên theo dõi việc tương tác thuốc giữa các nhóm thuốc được kê trong phối hợp thuốc và các nhóm thuốc được kê để điều trị các bệnh kèm.
Tăng cường tư vấn của bác sĩ, nhân viên y tế để BN hiểu hơn về bệnh và thuốc, giải thích cụ thể, rõ ràng về tình trạng thuyên giảm các triệu chứng trong quá trình dùng thuốc (đó chỉ là giảm triệu chứng và cần phải tiếp tục dùng thuốc để đạt được hiệu quả điều trị bệnh xuất phát từ nguyên nhân gây bệnh), cũng như giải thích về tình trạng gặp phải các biến cố có hại trong quá trình điều trị (các biến cố có hại gặp phải trong quá trình điều trị là một biến cố không quá nguy hiểm và cần phải tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ định).
Các nhân viên y tế khuyến cáo bệnh nhân nên gọi ngay cho bác sĩ, dược sĩ tư vấn của bệnh viện để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc trong quá trình sử dụng thuốc.
Đưa ra các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân dùng thuốc đúng giờ, đúng ngày như: sử dụng giấy ghi chú nhắc nhở việc dùng thuốc, dán tại các vị trí bệnh nhân đi qua hằng ngày để không bị quên dùng thuốc, đề nghị bệnh nhân chuẩn bị thuốc mang theo trước khi đi xa ít nhất 1 ngày để hạn chế việc bệnh nhân không có thuốc sử dụng khi đi xa.
Dược sĩ có vai trò lớn trong việc tư vấn sử dụng thuốc, nên cần tạo điều kiện cho dược sĩ lâm sàng làm việc đúng vị trí của mình trong hướng dẫn sử dụng thuốc.
Bệnh viện có thể sử dụng kết quả của NC này để tham khảo và thấy được lí do mà BN
KTTĐT, cuối cùng đưa ra các biện pháp giúp BN có thể thực hiện tốt việc TTĐT bệnh THK.
 
Tài liệu tham khảo
  1. Bùi Hải Bình (2016), Nghiên cứu điều trị bệnh thoái hóa khớp gối nguyên phát bằng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu tự thân. Luận án tiến sĩ y học, Đại học Y Hà Nội.
  2. Đặng Hồng Hoa (1997), Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh hư khớp gối, Luận án thạc sỹ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Pho (2007), Đánh giá hiệu quả của tiêm chất nhầy sodium Hyaluronat (GO-ON) vào ổ khớp trong điều trị thoái hóa khớp gối, Luận văn tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa II- Đại học Y Hà Nội.
  4. Đinh Thị Diệu Hằng (2013), Nghiên cứu thực trạng bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí của cán bộ y tế xã tại Hải Dương, Luận án tiến sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Mộng Trang và Lê Anh Thư (2004), Tình hình thoái hóa khớp tại khoa Nội xương khớp bệnh viện Chợ Rẫy (2/2001-2/2004), Hội nghị khoa học Chuyên đề Bệnh thoái hóa khớp và cột sống, Hội Thấp khớp học Việt Nam, tr. 13-18.
  6. Phan Thị Thơn, Nguyễn Thái Điền (2015), Đánh giá hiệu quả đắp sáp trong thoái quá khớp tại khoa Đông y-phục hồi chức năng tại BVĐK Ba Tri, đề tài nghiên cứu khoa học bệnh viện.
  7. Alami, S., Boutron, I., Desjeux, D., Hirschhorn, M., Meric, G., Rannou, F., & Poiraudeau, S. (2011). Patients’ and Practitioners’ Views of Knee Osteoarthritis and Its Management:
  8. Wang F, Wang Y, Xing H, Xu L, Zhou J (2019), Drug prescription patterns in osteoarthris patients in a tertiary care hospital in China. Pak J Pharm Sci. 2019 Sep;32(5(Special)):2363-2368. PMID: 31894019.
  9. Nicholas Wilson, Lidia Sanchez-Riera, Rosa Morros, Adolfo Diez-Perez, M. Kassim Javaid, Cyrus Cooper, Nigel K. Arden, Daniel Prieto-Alhambra (2014), Drug utilization in patients with OA: a population-based study, Rheumatology, Volume 54, Issue 5, May 2015, pp. 860–867
  10. Jordan, K. M. Arden NK, Doherty M, Bannwarth B, Bijlsma JW, Dieppe P, et al (2003). EULAR Recommendations 2003: an evidence based approach to the management of knee osteoarthritis: Report of a Task Force of the Standing Committee for International Clinical Studies Including Therapeutic Trials (ESCISIT). Annals of the Rheumatic Diseases, 62(12), pp.1145–1155
  11. Zhang W, Moskowitz RW, Nuki G, Abramson S, Altman RD, Arden N, et al(2008), OARSI recommendations for the management of hip and knee osteoarthritis, Part II: OARSI evidence-based, expert consensus guidelines. Osteoarthritis Cartilage. 2008 Feb;16(2): pp.137-62
  12. Blamey R, Jolly K, Greenfield S, Jobanputra P (2009), Patterns of analgesic use, pain and self-efficacy: a cross-sectional study of patients attending a hospital rheumatology clinic. BMC Musculoskelet Disord, 10: 137-10.1186/1471-2474-10-137 [a38] ElSaid T.O, S. M. Olama and A. M. Elewa (2013), Metabolic Syndrome In Egyptian Patients with Primary Knee Osteoarthritis. Journal of Autoimmune Diseases and Rheumatology, 1 (1), pp.5-10.
  13. Uckun AC, Yurdakul F, Bodur H (2017), Medical adherence in patients with tightly controlled rheumatoid arthritis. Annals of the Rheumatic Diseases; 76: pp.11141115.
  14. Sale JE, Gignac M, Hawker G (2006), How “bad” does the pain have to be? A qualitative study examining adherence to pain medication in older adults with osteoarthritis. Arthritis Rheum. 55: pp.272-278. 10.1002/art.21853.
  15. Mikhail P & Svetlana L & Myasoutova L (2014). Effectiveness of Educational Programs for Knee and Hip Osteoarthritis Pain and Quality of Life in Primary Care Patients. Annals of the Rheumatic Diseases. 72. A356-A356. 10.1136/annrheumdis2013-eular.1096.
  16. de Klerk E, van der Heijde D, Landewe R, van der Tempel H, Urquhart J, van der Linden S (2003), Patient compliance in rheumatoid arthritis, polymyalgia rheumatica, and gout. J Rheumatol; 30(1): pp.44-54.
  17. Cooper C, T. McAlindon, D. Coggon et al (1994). Occupational activity and osteoarthritis of the knee. Ann Rheum Dis, 53 (2), pp.90-93.
  18. Puenpatom R.A and T. W. Victor (2009). Increased prevalence of metabolic syndrome in individuals with osteoarthritis: an analysis of NHANES III data (abstract). Postgrad Med, 121 (6), pp.9-20.
  19. Harrold, L. R., & Andrade, S. E. (2009). Medication Adherence of Patients with Selected Rheumatic Conditions: A Systematic Review of the Literature. Seminars in Arthritis and Rheumatism, 38(5), pp.396–402.
  20. Tan C, Teng GG, Chong KJ, et al (2018). Utility of the Morisky Medication Adherence Scale in gout: a prospective study [apublished correction appears in Patient Prefer Adherence. Patient Prefer Adherence. 2016;10: pp.2449-2457. Published 2016 Dec 2. doi:10.2147/PPA.S119719

Tác giả bài viết: khoa Duoc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây