Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

https://khoaduocbvdkdongnai.org


THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TIỀN LIỆT TUYẾN

THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TIỀN LIỆT TUYẾN
Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) là ung thư thường gặp nhất ở nam giới sau ung thư da, là nguyên nhân thứ hai gây tử vong liên quan tới ung thư ở nam giới. Thông thường, UTTTL khu trú không có triệu chứng; tuy nhiên, UTTTL thường được chẩn đoán sau khi xuất hiện các triệu chứng như bí tiểu, khó tiểu, tiểu máu và rối loạn cương dương.

Các công cụ đánh giá:
  • Sàng lọc kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) là một công cụ để đánh giá lượng protein PSA trong máu; Chỉ số PSA cao hơn bình thường có liên quan đến nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt.
  • Điểm Glory, thước đo khả năng ung thư phát triển và lan rộng nhanh chóng, phân loại khối u theo thang điểm từ 1 đến 5; khối u độ 1 trông giống như mô tuyến tiền liệt bình thường và khối u độ 5 trông rất bất thường.
  • Điểm Gleason của hai vùng khối u chiếm ưu thế nhất được cộng lại để xác định tổng Gleason (ví dụ: 3 + 4 = 7). UTTTL thường được chia thành ba nhóm: 1) bệnh ung thư có điểm Gleason từ 6 trở xuống có sự biệt hóa tốt hoặc ở mức độ thấp; 2) điểm Gleason là 7 nghĩa là có sự biệt hóa vừa phải hoặc ở mức độ trung bình; và 3) điểm Gleason từ 8 đến 10 biểu thị sự biệt hóa kém hoặc ở mức độ cao.

Ở một số nhóm bệnh nhân, việc điều trị không được khuyến nghị; thay vào đó, có thể thăm khám tích cực (trong đó xét nghiệm máu PSA 6 tháng/ 1 lần và khám trực tràng bằng ngón tay (Digital Rectal Examination  - DRE ít nhất 1 lần/ mỗi năm) hoặc quan sát theo dõi (thường khi tuổi thọ dự kiến <10 năm). Các phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm cắt bỏ tinh hoàn, cắt bỏ tuyến tiền liệt và cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo. Cắt bỏ tuyến tiền liệt có thể được thực hiện thông qua mổ hở hoặc nội soi. Tác dụng không mong muốn (AE) của phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt có thể bao gồm tiểu không tự chủ và rối loạn cương dương; nguy cơ tăng lên khi hẹp đường nối.
Liệu pháp nội tiết tố
Mục đích của liệu pháp nội tiết tố là ngăn ngừa sự phát triển của tế bào UTTTL bằng cách hạ thấp nhất mức testosterone. Liệu pháp điều trị thiếu hụt androgen (ADT) thông qua phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn hoặc sử dụng chất đồng vận hormone giải phóng hormone luteinizing (LHRH) với một thuốc kháng androgen hoặc thuốc đối kháng LHRH sử dụng đơn độc. Nếu dùng chất đồng vận LHRH trước thuốc kháng androgen, khối u có thể bùng phát, gây ra các tác dụng phụ như đau xương và khó tiểu, nhưng những tác dụng này có thể tránh được nếu BN được dùng thuốc kháng androgen trong một thời gian khoảng vài tuần trước khi bắt đầu dùng chất đồng vận LHRH. Thuốc đối kháng LHRH không gây bùng phát khối u do không gây hiện tượng tăng testosterone tạm thời như nhóm thuốc đồng vận LHRH.
Một số thuốc đối kháng LHRH: Abarelix (Planexis), Degarelix (Firmagon), …
Một số thuốc đồng vận LHRH: Goserelin (Zoladex), Leuprolide (Lupron, Eligard), Triptorelin (Trelstar), …
Hóa trị
Hóa trị được áp dụng khi UTTTL đã di căn. Các tác nhân hóa trị được dùng đồng thời và thường bao gồm: docetaxel, cabazitaxel, mitoxantrone hoặc estramustine. Ví dụ, trong UTTTL di căn chưa  sử dụng liệu pháp ức chế tinh hoàn (tức là BN không dùng ADT tại thời điểm chẩn đoán), ADT cộng với docetaxel, một taxane (tức là chất ức chế vi ống ngăn cản sự nhân lên của tế bào) có thể được phối hợp. Khi docetaxel thất bại, có thể xem xét dùng cabazitaxel (một chất ức chế vi ống tương tự như docetaxel); hoặc, nếu các phương pháp khác không thể dung nạp, có thể xem xét dùng mitoxantrone ức chế topoisomerase II. Trong các trường hợp di căn và kháng liệu pháp ức chế tinh hoàn, nên tiếp tục sử dụng ADT, cùng với docetaxel phối hợp prednisone, một thuốc kháng androgen hoặc SIPuleucel-T (một liệu pháp miễn dịch) - với tác nhân được chọn là tác nhân trước đó chưa thất bại điều trị.
Liệu pháp miễn dịch
Sipuleucel-T, một loại vắc-xin ung thư giúp tăng cường hệ thống miễn dịch giúp tấn công các tế bào ung thư, thường được dành riêng cho BN UTTTL không còn đáp ứng với liệu pháp nội tiết tố nhưng không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vắc-xin này cá thể hóa cho từng BN, được tạo ra bằng cách đưa WBC của BN đến phòng thí nghiệm, nơi WBC được trộn với axit phosphatase tuyến tiền liệt (một loại protein từ tế bào ung thư tuyến tiền liệt), sau đó truyền lại cho BN. Quá trình được lặp lại tổng cộng 03 liều. Liệu pháp có thể giúp BN sống lâu hơn nhưng không ngăn được sự phát triển của UTTTL.
Thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch được sử dụng ở những BN có khối u biểu hiện thụ thể PD-1 (PD-1; protein điểm kiểm tra trên tế bào T) và thường được sử dụng khi di căn. Pembrolizumab là chất ức chế PD-1 được khuyến nghị sử dụng trong trường hợp kháng liệu pháp ức chế tinh hoàn có di căn chưa đáp ứng đầy đủ với docetaxel hoặc liệu pháp hormone. Pembrolizumab tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư tuyến tiền liệt; tuy nhiên, đôi khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khác, gây ra các AE nguy hiểm đến tính mạng như viêm phổi, viêm cơ tim và nhiễm toan đái tháo đường liên quan đến tăng đường huyết, vì vậy nhân viên y tế bắt buộc phải xác định và xử trí các AE này nhanh chóng, phù hợp.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Trong những trường hợp kháng liệu pháp ức chế tinh hoàn, xét nghiệm di truyền phải được thực hiện để xác định liệu có thể sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích hay không. Olaparib và rucaparib là các chất ức chế PARP có hoạt động liên quan đến việc ức chế các cơ chế sửa chữa DNA, dẫn đến gây chết tế bào; những tác nhân này có thể được sử dụng ở những bệnh nhân biểu hiện đột biến BRCA1 hoặc BRCA2.
Như vậy, điều trị thường bao gồm kết hợp giữa theo dõi, phẫu thuật, liệu pháp hormon, corticosteroid và hóa trị bao gồm liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu.

(Tài liệu tham khảo: https://www.uspharmacist.com/article/an-overview-of-prostate-cancer-1)
Tổng hợp tin: DS. Võ Thị Kiều Vân
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây