NGHIÊN CỨU NGUY CƠ TIM MẠCH, TIÊN LƯỢNG TỬ VONG THEO THANG ĐIỂM ARO Ở BỆNH NHÂN CHẠY THẬN NHÂN TẠO ĐỊNH KỲ TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỒNG NAI
- Thứ hai - 06/01/2025 10:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TÓM TẮT
Tổng quan: Bệnh tim mạch là một biến chứng rất phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân chạy thận định kỳ. Bệnh nhân chạy thận định kỳ có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 20 lần so với dân số nói chung và trên 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo mắc bệnh tim mạch.
Mục tiêu: Nghiên cứu nguy cơ tim mạch, tiên lượng tử vong theo thang điểm ARO ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Tìm sự tương quan giữa nguy cơ tim mạch, tử vong đánh giá bằng thang điểm ARO với một số đặc điểm ở BN chạy thận định kỳ tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang trên 70 bệnh án của các bệnh thận mạn giai đoạn cuối chạy thận định kỳ từ 01/03/2024 đến tháng 31/8/2024 tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Kết quả: Điểm nguy cơ tử vong do tim mạch trong 2 năm trung bình là 10,5%, tỷ lệ bệnh nhân ở mức nguy cơ thấp chiếm 25,7%, mức vừa chiếm 57,2%, mức cao chiếm 17,1%. Điểm nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm trung bình là 26,1%, tỷ lệ bệnh nhân ở mức nguy cơ thấp chiếm 32,8%, mức vừa chiếm 50%, mức cao chiếm 17,2%. Điểm nguy cơ tử vong do tim mạch trong 2 năm, điểm nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm cao hơn ở BN tuổi cao, thời gian chạy thận kéo dài, có tăng Cholesterol, tăng LDL-C, giảm nồng độ HDL-C, tăng nồng độ PTH, thiếu máu nhưng liên quan không có ý nghĩa với giới tính, nồng độ triglycerid.
Kết luận: Nghiên cứu cho thấy nguy cơ tử vong do tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm ở bệnh nhân chạy thận định kỳ theo thang điểm ARO ở mức cao. Tuổi cao, thời gian chạy thận dài, tăng Cholesterol máu, tăng LDL-C máu, giảm nồng độ HDL-C máu, tăng nồng độ PTH máu và thiếu máu có thể làm gia tăng nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong ở bệnh nhân chạy thận định kỳ.
Từ khóa: nguy cơ tim mạch, tử vong, bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thang điểm ARO.
ABSTRACT
Background: Cardiovascular disease is a very common complication and is the leading cause of death in patients maintenance hemodialysis. Patients maintenance hemodialysis have a mortality rate due to cardiovascular disease 20 times higher than the general population, and over 50% of patients maintenance hemodialysis have cardiovascular disease.
Objective: Research on cardiovascular morbidity and mortality risk according to the ARO score in patients maintenance hemodialysis at Dong Nai General Hospital. Find the correlation between cardiovascular morbidity and mortality risk assessed by ARO score with some characteristics in patients maintenance hemodialysis at Dong Nai General Hospital.
Patients and methods: Cross-sectional descriptive study on 70 paients maintenance hemodialysis from March 1, 2024 to August 31, 2024 at Dong Nai General Hospital.
Results: The mean two-year cardiovascular mortality risk was 10,5%, the rates of patients at low, moderate and high risks were 25,7%, 57,2%, 17,1% respectively. The mean two–year cardiovascular morbidity and mortality risk was 26,1%, the rates of patients at low, moderate and high risks were 32,8%, 50% and 17,2%, respectively. The two-year cardiovascular mortality risk and two-year cardiovascular morbidity and mortality risk were higher in patients with old age, long time on hemodialysis, increased Cholesterol level, increased LDL-C level, decreased HDL-C level, increased PTH level, amenia but they were not associated with gender, Triglycerid levels.
Conclusion: The cardiovascular morbidity and mortality risks in two years in maintenance hemodialysis patients were high. Old age, time on hemodialysis, increased Cholesterol level, increased LDL-C level, decreased HDL-C level, increased PTH level, amenia could associate with increasing in cardiovascular morbidity and mortality risks in maintenance hemodialysis.
Keywords: cardiovascular morbidity, mortality risks, hemodialysis, ARO score.
MỞ ĐẦU
Bệnh thận mạn (BTM) giai đoạn cuối là vấn đề sức khỏe toàn cầu, BTM giai đoạn cuối có nhiều biến chứng làm tăng tỉ lệ tử vong. Có khoảng 10% dân số trên thế giới mắc BTM. Biến cố tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân (BN) chạy thận định kỳ (CTĐK)[6]. BN CTĐK có nhiều nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch và tử vong. Yêu cầu đặt ra một thang điểm để tiên lượng, dự báo nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong ở BN CTĐK.
Thang điểm Framingham tiên lượng nguy cơ tim mạch ở trong cộng đồng với BN CTĐK còn nhiều điểm hạn chế, chưa bao gồm các yếu tố nguy cơ ở đối tượng đặc biệt này[7]. Thang điểm ARO được đưa ra và áp dụng ở nhiều trung tâm chạy thận nhân tạo trên thế giới; thang điểm sử dụng các chỉ số liên quan trực tiếp với BN suy thận mạn và CTĐK.
Tại Việt Nam, việc tầm soát nguy cơ tim mạch, tiên lượng tử vong theo thang điểm ARO ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ chưa được quan tâm đúng mức, các biện pháp điều trị còn hạn chế, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến tỉnh điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi tiến hành làm đề tài: “Nghiên cứu nguy cơ tim mạch, tiên lượng tử vong theo thang điểm ARO ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai” với các mục tiêu nghiên cứu sau:
1. Nghiên cứu nguy cơ tim mạch, tiên lượng tử vong theo thang điểm ARO ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
2. Tìm sự tương quan giữa nguy cơ tim mạch, tử vong đánh giá bằng thang điểm ARO với một số đặc điểm ở BN chạy thận định kỳ tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Hồ sơ bệnh án của BN BTM giai đoạn cuối CTĐK từ 01/03/2024 đến tháng 31/8/2024 tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Tiêu chuẩn lựa chọn
- BN BTM giai đoạn cuối đang điều trị CTĐK ít nhất 6 tháng.
- BN trên 18 tuổi
- BN chạy thận nhân tạo tuần 3 buổi
- BN đồng ý tham gia nghiên cứu
Tiêu chuẩn loại trừ
- BN không đủ các chỉ tiêu đánh giá.
- Có vấn đề về giao tiếp, bị bệnh Alzheimer hoặc bất kỳ vấn đề tâm thần nào liên quan đến rối loạn nhận thức.
- BN tại thời điểm nghiên cứu mắc các bệnh ngoại khoa, nhiễm khuẩn nặng như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, suy tim nặng, xơ gan nặng, ung thư.
Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang, không can thiệp, không đối chứng.
- Cách tiến hành: Thu thập thông tin của BN trong mẫu nghiên cứu từ hồ sơ bệnh án lưu trữ bằng một mẫu phiếu thống nhất và phỏng vấn BN.
- Các tiêu chí cần khảo sát:
+ Tuổi BN: được tính bằng năm (năm hiện tại trừ đi năm sinh của BN).
+ Giới tính: có hai giá trị nam và nữ.
+ Lâm sàng: Mạch, huyết áp, cân nặng, chiều cao.
+ Tiền sử: hút thuốc lá, bệnh tim mạch, ung thư, nguyên nhân suy thận mạn, thời gian CTĐK, các chỉ số trong chạy thận nhân tạo (siêu lọc, tốc độ bơm máu, đường vào mạch máu).
+ Thời gian CTĐK.
+ Công thức máu;
+ Sinh hóa máu: protein, ure, creatinin trước chạy thận nhân tạo, albumin, 4 chỉ số lipid máu, sắt huyết thanh, Ferritin, CRP, Canxi, Phospho, Kali.
- Phân tích số liệu: bằng phần mềm Microsoft Excell 2010, Statistical Package for the Social Sciences 22 (SPSS 22). Sử dụng phép kiểm χ2 hoặc phép kiểm Fisher để so sánh mối liên quan giữa các biến số nghiên cứu khi biến không liên tục, sử dụng phép kiểm T – test hoặc Wilcoxon test khi biến liên tục. Mối liên quan có ý nghĩa thống kê khi p<0,05. Chọn độ tin cậy p<0,05.
KẾT QUẢ
6.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm |
Giá trị |
Tuổi (X±SD) |
45,1 ± 12,2 |
Thời gian chạy thận (X±SD)năm |
3,0 ± 1,5 |
Giới nam n, (%) |
37 (52,8%) |
Hút thuốc n, (%) |
30 (42,8%) |
Có biến cố tim mạch n, (%) |
21 (30%) |
Đái tháo đường n, (%) |
40 (57,1%) |
Thiếu máu n, (%) |
56 (80%) |
Rối loạn lipid máu n, (%) |
52 (74,2%) |
Nhận xét: Tuổi trung bình của bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ cao 45,1 ± 12,2 tuổi; Thời gian chạy thận trung bình 3 năm ; Tỷ lệ nam,nữ gần như bằng nhau; Tỷ lệ bệnh nhân hút thuốc lá chiếm tỷ lệ 42,8%; Bệnh nhân đã có biến có tim mạch có tỷ lệ thấp; Tỷ lệ bệnh nhân bị thiếu máu, đái tháo đường, rối loạn lipid máu trong nhóm nghiên cứu cao.
6.2. Nguy cơ tim mạch, tiên lượng tử vong ở BN CTĐK
Bảng 2. Nguy cơ tim mạch, tiên lượng tử vong ở BN CTĐK theo thang điểm ARO
Đặc điểm |
Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm |
Nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm |
|
Giá trị trung bình (X SD) |
10,5 ± 4,2 |
26,1 ± 7,4 |
|
Phân mức nguy cơ |
Thấp n (%) |
18 (25,7%) |
23 (32,8%) |
Trung bình n (%) |
40 (57,2%) |
35 (50%) |
|
Cao n (%) |
12 (17,1%) |
12 (17,2%) |
Nhận xét: Giá trị trung bình điểm nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, điểm nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm lần lượt là 10,5% và 26,1%. Đa số bệnh nhân ở mức có nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm và nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm ở mức trung bình lần lượt là 57,2% và 50%.
6.3. Mối tương quan giữa nguy cơ tim mạch, tử vong đánh giá bằng thang điểm ARO với một số đặc điểm ở BN CTĐK
Bảng 3. Mối liên quan nguy cơ tim mạch và tiên lượng tử vong theo giới tính
Đặc điểm |
Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm |
Nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm |
|
Giới tính |
Nam (n= 37) |
10,7 ± 4,5 |
26,8 ± 7,7 |
Nữ (n= 33 ) |
10,2 ± 3,7 |
25,2 ± 7,0 |
|
P |
0,53 |
0,25 |
Nhận xét: Điểm nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm không có sự khác biệt giữ nam và nữ.
Bảng 4. Mối liên quan nguy cơ tim mạch và tiên lượng tử vong theo tuổi
Đặc điểm |
Nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm |
Nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm |
|
Nhóm tuổi |
< 40 (n= 16) |
7,1 ± 2,0 |
22,3 ± 6,3 |
40-59 (n= 38) |
11,1± 3,4 |
26,2 ± 6,6 |
|
≥ 60 (n= 13) |
13,6 ± 5,2 |
30,9 ± 5,3 |
|
P |
<0,001 |
<0,001 |
Nhận xét: Điểm nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm tăng cao ở nhớm trên 60 tuổi, khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Bảng 5. Mối liên quan nguy cơ tim mạch, tử vong với thời gian lọc máu
Điểm nguy cơ, tiên lượng |
1-2 năm (n= 25)(n,%) |
3-4 năm (n= 30 )(n,%) |
5 năm (n=15 ) (n,%) |
P |
Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm |
0,01 |
|||
Nguy cơ thấp |
11 (44%) |
4 (13,3%) |
2 (13,3%) |
|
Nguy cơ trung bình |
8 (32%) |
20 (66,7%) |
8 (53,3%) |
|
Nguy cơ cao |
6 (24%) |
6 (20%) |
5 (33,3%) |
|
Nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm |
< 0,001 |
|||
Nguy cơ thấp |
19 (76%) |
2 (6,6%) |
2 (13,3%) |
|
Nguy cơ trung bình |
3 (12%) |
23 (76,7%) |
6 (40%) |
|
Nguy cơ cao |
3 (12%) |
5 (16,7%) |
7 (46,7%) |
Nhận xét: Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm cao hơn ở nhóm chạy thận lâu năm
Bảng 6. Mối liên quan nguy cơ tim mạch và tiên lượng tử vong với Cholesterol máu
Đặc điểm rối loạn lipid máu |
Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm |
Nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm |
|
Cholesterol máu |
Bình thường (n= 32) |
8.9 ± 4,09 |
24,0 ± 7,1 |
Tăng (n=38) |
11,8 ± 3,8 |
22,7 ± 7,3 |
|
P |
0,004 |
0,047 |
|
Triglyderide máu |
Bình thường (n=41) |
9,8 ± 3,8 |
25,5 ± 7,6 |
Tăng (n=29) |
11,5 ± 4,5 |
26,7 ± 7,1 |
|
P |
0,08 |
0,52 |
|
HDL-C máu |
Bình thường (n=32) |
7,8 ± 3,0 |
21,1 ± 5,5 |
Giảm (n=38) |
12,8 ± 3,6 |
30,1 ± 6,2 |
|
P |
< 0,001 |
< 0,001 |
|
LDL-C máu |
Bình thường (n=33) |
8,4 ± 3,8 |
23,4 ± 7,1 |
Tăng (n=37) |
12,3 ± 3,6 |
28,4 6,9 |
|
P |
< 0,001 |
0,006 |
Nhận xét: Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm tăng cao có ý nghĩa thống kê ở nhóm tăng Cholesterol máu, giảm HDL-C, tăng LDL-C.
Bảng 7. Mối liên quan nguy cơ tim mạch và tiên lượng tử vong với PTH
Đặc điểm rối loạn PTH |
Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm |
Nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm |
Bình thường (n=29) |
7,1 ± 2,3 |
19,5 ± 2,2 |
Tăng (n=41) |
12,9 ± 3,5 |
30,6 ± 6,2 |
P |
< 0,001 |
< 0,001 |
Nhận xét: Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm tăng cao có ý nghĩa thống kê ở nhóm có tăng PTH.
Bảng 8. Mối liên quan nguy cơ tim mạch và tiên lượng tử vong thiếu máu
Đặc điểm thiếu máu |
Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm |
Nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm |
Bình thường (n=14) |
8,9 ± 2,9 |
23,3 ± 5,5 |
Thiếu máu (n=56) |
11,3 ± 4,5 |
27,4 ± 7,8 |
P |
0,019 |
0,026 |
Nhận xét: Nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm tăng cao có ý nghĩa thống kê ở nhóm có thiếu máu với.
BÀN LUẬN
Đặc điểm bệnh nhân
Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện với 70 bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Kết qủa nghiên cứu cho thấy tuổi trung bình của bệnh nhân là 45,1 ± 12,2 tuổi. tương đồng với nghiên cứu của tác giả Diêm Thị Vân, tuổi trung bình 57,1 ± 15,0 tuổi[1]. Tương đồng với nghiên cứu của Chisavu (2023) tuổi trung bình của bệnh nhân 55,5 ± 13,2 tuổi[3].
Trong nghiên cứu có 37 BN nam (chiếm 52,8%), 33 BN nữ (chiếm 47,2%). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Diêm Thị Vân (2023) tỉ lệ BN nam chiếm 52,3%, BN nữ chiếm 47,7%[1].
Thời gian chạy thận nhân tạo định kỳ trong nghiên cứu của chúng tôi là 3,0 ± 1,5 năm. Tương tự thời gian bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong nghiên cứu của Diêm Thị Vân (2023) là 4,2 năm[1].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân có tỷ lệ thiếu máu và rối loạn lipid máu có tỷ lệ cao 80% và 74,2%. Như trong nghiên cứu của Diêm Thị Vân tỷ lệ thiếu máu và rối loạn lipid máu chiếm phần lớn trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu lần lượt là 96,2% và 61,4%[1].
Đặc điểm nguy cơ tim mạch, tiên lượng tử vong theo thang điểm ARO
Kết quả của nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận giá trị trung bình của điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch, điểm nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong 2 năm lần lượt là 10,5 ± 4,2% và 26,1 ± 7,4%. Tỷ lệ bệnh nhân có điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm ở mức thấp: 25,7%, mức trung bình: 57,2% và ở mức cao: 17,1%. Tỷ lệ bệnh nhân có điểm nguy cơ tiên lượng mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm ở mức thấp: 32,8%, mức trung bình: 50% và mức cao 17,2%.Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của Anker S.D. và cs đã công bố vào năm 2016, nghiên cứu này được thực hiện trên 11242 bệnh nhân bệnh thận mạn CTĐK, loại khỏi nghiên cứu 1615 bệnh nhân vì các lý do, còn lại 9627 bệnh nhân đủ điều kiện theo dõi trong nghiên cứu; sau 2 năm theo dõi: 7,5% bệnh nhân tử vong do biến cố tim mạch (tỷ lệ biến cố là 5,0 trên 100 bệnh nhân mỗi năm, KTC 95% là 4,6-5,4), có 21,0% bệnh nhân mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch (tỷ lệ biến cố là 22,6 trên 100 bệnh nhân mỗi năm, KTC 95% là 21,9-23,4) [2]. Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ bệnh nhân có điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm ở mức thấp, trung bình và cao lần lượt là: 33,0%, 29,4% và 37,6%. Qua 2 năm theo dõi, tác giả thu được tỷ lệ tử vong thực tế ở các nhóm có nguy cơ thấp, trung bình và cao lần lượt là: 1,8%, 5,9% và 13,6%. Đối với nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có điểm nguy cơ tiên lượng ở mức thấp: 33,0%, mức trung bình:31,6% và mức cao: 35,4%. Sau 2 năm theo dõi, tỷ lệ mắc biến cố tim mạch và tử vong thực tế là 7,4% ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ thấp, 19,0% ở nhóm nguy cơ trung bìn và 32,9% ở nhóm nguy cơ cao[2].
Sự tương quan giữa nguy cơ tim mạch, tử vong đánh giá bằng thang điểm ARO với một số yếu tố liên quan
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do tim mạch trong 2 năm, nguy cơ tiên lượng mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm không khác biệt giữa nam và nữ (P = 0,53 và P=0,25). Tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Diêm Thị Vân (2023) không ghi nhận không có sự khác biệt giữa nam và nữ ở điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do tim mạch trong 2 năm, nguy cơ tiên lượng mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm[1]. So với nghiên cứu của Anker S. D. và cs năm 2016 không nhận thấy sự khác biệt về các điểm nguy cơ tiên lượng giữa 2 nhóm giới tính[2].
Chúng tôi nhận thấy điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm đều tăng dần theo nhóm tuổi, khác biệt có ý nghĩa thống kê với P <0,001. Tuổi là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch, tuổi đóng một vai trò quan trọng trong sự suy giảm chức năng tim mạch, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch ở người lớn tuổi. Trong nghiên cứu của tác giả Diêm Thị Vân (2023) cũng ghi nhận kết quả tương tự, điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm đều tăng dần theo nhóm tuổi[1]. Nghiên cứu của Yazdanyar A. và cs (2005) đã cho thấy bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong cho 864.480 ca trong tổng số khoảng 2,5 triệu ca tử vong ở Hoa Kỳ và người ≥ 65 tuổi chiếm 82% tổng số ca tử vong do bệnh tim mạch[9]. Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở nam giới và phụ nữ Hoa Kỳ tăng từ khoảng 40% ở độ tuổi từ 40–59 tuổi lên 70-75% ở độ tuổi 60–79 tuổi và 79-86% ở những người trên 80 tuổi[2].
Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận thấy điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm đều tăng dần theo thời gian chạy thận nhân tạo với P= 0,01 và P< 0,001. Tuy nhiên, nghiên cứu của Diêm Thị Vân (2023) không ghi nhận mối liên quan điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm với thời gian chạy thận nhân tạo với P=0,36 khác với nghiên cứu của chúng tôi[1]. Nhưng ở điểm nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm vẫn ghi nhân liên quan với thời gian chạy thận nhân tạo với P=0,01. Năm 2023, Chisavu và cs công bố nghiên cứu trên 2 nhóm bệnh nhân: 901 bệnh nhân CTĐK từ năm 2012 và 1396 bệnh nhân CTĐK từ năm 2017, cho thấy ở cả 2 nhóm nguy cơ tử vong tăng lên theo thời gian chạy thận nhân tạo với OR = 1,179,KTC 95%: 1,086–1,28, p< 0,01[3]; Hơn nữa, tác giả cũng chỉ ra bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (chiếm 50% nguyên nhân tử vong ở nhóm CTĐK từ năm 2012 và 45,6% ở nhóm bệnh nhân CTĐK từ năm 2017). Từ kết quả này, chúng ta có thể suy đoán rằng tình trạng mắc biến cố tim mạch ở các bệnh nhân CTĐK trong nghiên cứu của Chisavu cũng tăng lên theo thời gian chạy thận nhân tạo[3].
Rối loạn lipid máu đã được nghiên cứu rộng rãi như một yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được ở cộng đồng chung cũng như ở bệnh nhân chạy thận. Rối loạn lipid máu ở bệnh nhân chạy thận chủ yếu biểu hiện ở HDL-C máu thấp và Triglyceride máu cao, điều quan trọng là mức cholesterol toàn phần và LDL-C có xu hướng ở mức bình thường hoặc thậm chí thấp. Chúng tôi nhận thấy điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm có mối liên quan với sự tăng Cholesterol với p lần lượt là 0,004 và 0,047, với sự giảm HDL-C với p< 0,001 và tăng LDL-C với p<0,001 và p: 0,006, không có mối liên quan với sự tăng Triglyceride. Khác với nghiên cứu của tác giả Diêm Thị Vân (2023) chỉ ghi nhận mối liên quan của điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm với sự giảm HDL-C với p=0,001 và p=0,004, ghi nhận không có sự liên quan với việc tăng Cholesterol, tăng Triglyceride và tăng LDL-C[1]. Sự khác biệt này có thể là do khác biệt tiêu chuẩn chọn bệnh giữa 2 nghiên cứu khác nhau.
Chúng tôi nhận thấy điểm nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm đều tăng dần theo mức độ tăng nồng độ PTH với p<0,001. Tương đồng với nghiên cứu của tác giả Diêm Thị Vân (2023) cũng ghi nhận mối tương quan nguy cơ tiên lượng tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm với nồng độ PTH[1].
Bên cạnh đó, mức độ thiếu máu làm tăng nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch trong 2 năm, cũng như nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch trong 2 năm. Trong nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận mối tương quan này với p=0,019 và p=0,026[1]. Tương tự, tác giả Anker S.D và cộng sự năm 2016 cũng cho thấy thiếu máu tăng nguy cơ biếm cố tim mạch và nguy cơ tử vong[2].
KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ tử vong do tim mạch trong 2 năm, nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong trong 2 năm ở bệnh nhân chạy thận định kỳ theo thang điểm ARO ở mức cao. Tuổi cao, thời gian chạy thận dài, tăng Cholesterol máu, tăng LDL-C máu, giảm nồng độ HDL-C máu, tăng nồng độ PTH máu và thiếu máu có thể làm gia tăng nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong ở bệnh nhân chạy thận định kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Diêm , T. V., Đỗ , Đình T., Nguyễn , T. X., Nguyễn, . T. C., & Phạm , Q. T. (2024). Khảo sát nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong theo thang điểm ARO ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại bệnh viện QUÂN Y. Tạp Chí Y học Việt Nam, 539(3).
-
Anker S.D., Gillespie I.A., Eckardt K.-U., et al. (2016). Development and validation of cardiovascular risk scores for haemodialysis patients. Int J Cardiol, 216, 68–77.
-
Chisavu L., Mihaescu A., Bob F., et al. (2023). Trends in mortality and comorbidities in hemodialysis patients between 2012 and 2017 in an East-European Country: a retrospective study. Int Urol Nephrol, 55(10), 2579–2587.
-
Cozzolino M., Mangano M., Stucchi A., et al. (2018). Cardiovascular disease in dialysis patients. Nephrol Dial Transplant, 33(Suppl 3), iii28–iii34.
-
Floege J., Gillespie I.A., Kronenberg F., et al. (2015). Development and validation of a predictive mortality risk score from a European hemodialysis cohort. Kidney Int, 87(5), 996–1008.
-
Iseki K., Shinzato T., Nagura Y., et al. (2004). Factors influencing long-term survival in patients on chronic dialysis. Clin Exp Nephrol, 8(2), 89–97.
-
Navaneethan S.D., Schold J.D., Walther C.P., et al. (2018). HDL-cholesterol and causes of death in chronic kidney disease. J Clin Lipidol, 12(4), 1061-1071.e7.
-
Qureshi A.R., Alvestrand A., Divino-Filho J.C., et al. (2002). Inflammation, malnutrition, and cardiac disease as predictors of mortality in hemodialysis patients. J Am Soc Nephrol JASN, 13 Suppl 1, S28-36 .
-
Yazdanyar A. and Newman A.B. (2009). The burden of cardiovascular disease in the elderly: morbidity, mortality, and costs. Clin Geriatr Med, 25(4), 563–577, vii.